Tác dụng phụ không mong muốn

Những biến động địa-chính trị toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine, khiến nguồn cung năng lượng khan hiếm được xem là nguồn cơn của những tranh chấp năng lượng mới, điển hình như nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa Israel và Lebanon liên quan quyền sở hữu và khai thác mỏ khí đốt Karish, ngoài khơi phía đông Địa Trung Hải.

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: TAGHRIBNEWS
Nguồn: TAGHRIBNEWS

Ngày 5/7 vừa qua, theo Reuters, Thủ tướng Israel, ông Yair Lapid đã có chuyến thăm tới Thủ đô Paris (Pháp), đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ông Lapid đã nhậm chức Thủ tướng Israel vào ngày 1/7 sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh. Một ngày sau đó, nhà lãnh đạo mới này đã phải đối mặt thách thức đầu tiên, khi lực lượng Hezbollah tại Lebanon phóng ba máy bay không người lái về phía mỏ khí đốt Karish.

Dự kiến, trong chuyến công du tới Pháp lần này, Thủ tướng Lapid sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông dự định kêu gọi Paris can thiệp vào tranh chấp về nguồn tài nguyên khí đốt trên Địa Trung Hải giữa Israel và Lebanon. Trước thềm chuyến thăm, một quan chức cấp cao của Israel cũng cho biết, vấn đề tranh chấp khí đốt với Lebanon sẽ được đưa vào chương trình nghị sự trong các cuộc hội đàm tại Điện Elysse. 

Căng thẳng đang leo thang giữa Israel và Lebanon về biên giới hàng hải tranh chấp ở phía đông Địa Trung Hải giàu khí đốt. Lực lượng Hezbollah của người Hồi giáo dòng Shi’ite ở Lebanon tuyên bố, họ có thể ngăn chặn Israel khai thác khí đốt từ mỏ Karish mà Beirut khẳng định là nằm trong vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, các bộ trưởng quốc phòng, đối ngoại và năng lượng của Israel đã mô tả mỏ Karish là một “tài sản chiến lược đối với Israel” và “không nằm trong vùng lãnh thổ tranh chấp”. 

Cảnh báo về đụng độ quân sự đã được giới quan sát đưa ra, sau khi Israel đưa giàn khoan khí đốt đến đông Địa Trung Hải - một địa điểm mà cả Israel và Lebanon đều tuyên bố chủ quyền. Các tàu hải quân Israel, tàu ngầm và cả một hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt phiên bản hải quân đã được lệnh đi theo hộ tống giàn khoan này.

Tuần trước, Lebanon đã cảnh báo Israel đang có hành động “gây hấn” ở vùng biển tranh chấp. Tổng thống Michel Aoun tuyên bố rằng, bất kỳ hoạt động nào trong khu vực này sẽ trở thành hành động khiêu khích, trong khi Thủ tướng Najib Mikati ra lệnh cho Bộ Quốc phòng báo cáo về bất kỳ diễn biến mới ở đông Địa Trung Hải.

Nguy cơ về một cuộc xung đột ở đông Địa Trung Hải đang nhận được sự chú ý của Liên minh châu Âu (EU), vốn đã thể hiện sự quan tâm đến tiềm năng khí đốt của khu vực như một giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt của Nga. Hồi tháng trước, EU đã ký một thỏa thuận hợp tác khai thác năng lượng ở đông Địa Trung Hải với Israel và Ai Cập. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm bảo đảm có các nguồn cung cấp mới về khí đốt tự nhiên sau khi bị gián đoạn nguồn cung từ Nga. Theo thỏa thuận, các bên sẽ cùng nhau hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp thường xuyên khí đốt từ Israel, Ai Cập và các nguồn khác tới EU, thông qua các đường ống dẫn khí hiện có tại Israel và các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có ở Ai Cập. 

Do đó, theo nhận định của các nhà phân tích, trong trường hợp xung đột xảy ra giữa Israel và Lebanon liên quan mỏ Karish, rất có thể EU sẽ đứng về phía Tel Aviv nhằm một mặt bảo hộ cho thỏa thuận mới ký kết với Israel và Ai Cập, mặt khác sẽ đóng vai trò lớn hơn trong bảo đảm an ninh ở vùng đông Địa Trung Hải.

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ những năm gần đây ở đông Địa Trung Hải mang lại cơ hội lớn để thúc đẩy nền kinh tế của các nước trong khu vực này, song mặt khác lại có thể làm gia tăng tranh chấp. Theo AP, ước tính trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở ngoài khơi Lebanon trị giá khoảng 250 tỷ USD, riêng mỏ Karish ước tính chứa tới hơn 430 tỷ m3 khí đốt. 

Thực tế cho thấy, những “điểm nóng” mới đang xuất hiện trên bản đồ địa-chính trị thế giới, như căng thẳng hiện nay giữa Israel và Lebanon. Đó chính là những tác dụng phụ không mong muốn của cuộc chiến tại Ukraine nói riêng và những xung đột khác nói chung liên quan an ninh năng lượng toàn cầu.