Sức ép ngàn cân

Tính đến thời điểm này, có ba công ty chứng khoán (CTCK) bị phạt vì những sai phạm liên quan phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Gần nhất là CTCK KIS Việt Nam bị phạt 250 triệu đồng vì không bảo đảm các thông tin trong hồ sơ chào bán, bị phạt tiếp 85 triệu đồng do không báo cáo tài liệu theo quy định. Trước KIS, CTCK An Bình và Everest cũng bị phạt tổng số tiền 700 triệu đồng do có liên quan các sai phạm trong việc chào bán trái phiếu của các công ty con thuộc Tân Hoàng Minh.
0:00 / 0:00
0:00

Cả ba CTCK nêu trên đều không thuộc “chiếu trên” về thị phần nên việc chuyển qua kênh trái phiếu có thể xem như một lối đi nhằm đa dạng hóa hoạt động cũng như nguồn thu cho mình. Cũng cần nhấn mạnh, tham gia kênh trái phiếu dù ở khâu nào thì nếu làm đúng theo các quy định, cũng sẽ là một giải pháp tốt, phù hợp cho sự phát triển của CTCK. Nhưng các sự cố xảy ra ở cả ba CTCK này một lần nữa gợi nhắc về những rủi ro mà các CTCK đã và sẽ phải đối mặt.

Một CTCK có tiếng là thận trọng trên thị trường trong khoảng hai năm qua đã chịu rất nhiều áp lực về việc chưa tham gia mảng trái phiếu, mà theo quan điểm của những lãnh đạo công ty này thì họ chưa sẵn sàng. Thực tế cho thấy đã có một số CTCK dù không “nổi” ở mảng cổ phiếu nhưng lại rất nổi ở trái phiếu, rồi chưa kể có những đơn vị nhờ vào trái phiếu mà có thêm một kênh sản phẩm nhằm thu hút nhà đầu tư (NĐT). Nói như vậy để thấy rằng, áp lực của CTCK kể trên là rất lớn, tuy nhiên sự nhất quán về mặt hoạt động đã khiến CTCK này không rẽ ngang hay phát triển thêm mảng trái phiếu, vì có khi mở ra cũng chưa chắc đã hoạt động hiệu quả.

Sức ép không chỉ nằm ở việc mở rộng hoạt động mà trong thời gian tới sẽ còn nằm ở việc tiêu thụ vốn. Diễn biến thuận lợi của năm 2020, 2021 đã giúp cho nhiều CTCK tiến hành tăng vốn điều lệ, nhưng điều này cũng tạo ra áp lực phải sử dụng vốn điều lệ sao cho hiệu quả trong năm 2022 và thời gian tới đây. Thị trường điều chỉnh như từ tháng 4 đến tháng 10 của năm 2022, nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều đó không đáng lo bằng việc thanh khoản sụt giảm. Nhưng như Thời Nay đã phân tích trong một số bài báo gần đây, tổng giá trị giao dịch (thanh khoản) trên thị trường cơ sở và phái sinh hiện nay vẫn đang ở mức ổn định, nên nỗi lo thanh khoản sụt giảm là không lớn.

Nhưng vấn đề là CTCK sẽ làm thế nào để phát huy tốt nhất lợi thế và qua đó tối ưu hóa nguồn vốn của mình. Thử đặt ra tình huống, CTCK có thế mạnh trong việc phục vụ khách hàng của thị trường cơ sở, nhưng nếu chưa quá mạnh về mảng phái sinh thì có thể gặp khó khi tiền chuyển từ cơ sở sang phái sinh. Lúc này thì dù dòng tiền vẫn ở trong thị trường, nhưng năng lực phục vụ của CTCK sẽ bị ảnh hưởng. Sức ép ở đây là CTCK sẽ phải hoàn thiện mình để có đủ thực lực tham gia ở các mảng khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, và tất nhiên sẽ phải luôn giữ mình, tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý.