Sửa luật theo hướng đa dạng hình thức liên kết, hợp tác

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012), nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết số 20) ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Sửa luật theo hướng đa dạng hình thức liên kết, hợp tác

- Thưa ông, Luật Hợp tác xã năm 2012 có những hạn chế, bất cập nào kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển?

Luật Hợp tác xã năm 2012 tạo nên khung khổ pháp luật thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển trong 10 năm qua về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2012 có những tồn tại, hạn chế như:

Chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa được thể chế đầy đủ trong Luật và các văn bản thi hành luật này. Một số quy định của luật còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác, như: Luật các Tổ chức tín dụng; Luật Đất đai;...

Các chính sách và việc bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể (KTTT), HTX còn chưa được chú trọng: Kinh phí thường lồng ghép vào nhiều chương trình khiến cho nguồn lực hạn hẹp, thấp hơn nhiều so với nhu cầu hỗ trợ phát triển KTTT; số lượng HTX được thụ hưởng ở mức thấp so tổng số HTX.

Về quy định của luật này, chủ yếu điều chỉnh về tổ chức, hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX quy mô nhỏ, sản xuất phân tán, chưa điều chỉnh được toàn bộ về tổ chức, hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX quy mô lớn, sản xuất tập trung trong một số lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân…

Qua rà soát, đánh giá, có 55 nội dung được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 đang gây khó khăn, trở ngại đối với tổ chức và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, như: thủ tục đăng ký, tổ chức lại, chuyển đổi, sáp nhập, chia tách, giải thể HTX; quy định tỷ lệ vốn góp của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX; 30% vốn điều lệ của liên hiệp HTX; hạn chế tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, HTX thành viên và ra thị trường...

- Vậy quan điểm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 như thế nào, thưa ông?

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở nước ta đã đưa ra trong Nghị quyết số 20. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Hợp tác xã năm 2012. Tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để KTTT, HTX phát triển, trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta, lấy HTX là trung tâm để xây dựng khung pháp lý chung. Kế thừa tối đa các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.

Sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT theo cơ chế thị trường, bảo đảm tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX; từng bước sáp nhập các HTX để tăng quy mô, thành lập các liên hiệp HTX, liên đoàn HTX, tập đoàn kinh tế HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.

Hướng tới xóa bỏ "tiền kiểm" và tăng cường "hậu kiểm", khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý đối với phát triển KTTT, HTX thời gian qua. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX phải phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất, cơ chế quản trị và ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của khu vực KTTT; nâng cao chất lượng công tác thông tin, báo cáo; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, hạn chế thấp nhất tình trạng HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX giải thể, phá sản.

Xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (bao gồm Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) là tổ chức đại diện, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần KTTT; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các điều kiện, nguồn lực thực hiện để hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Cụ thể hơn, sẽ cần tập trung vào những chính sách gì để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với KTTT?

Các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần cụ thể hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 20 đã nêu, đó là Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển KTTT trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị thiết kế lại với tám nhóm chính sách cụ thể: chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học-công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!