Sứ mệnh và vị trí đặc biệt

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có bài thơ "Làm anh" được đưa vào sách giáo khoa, được nhiều người biết đến:

Làm anh khó đấy/

Phải đâu chuyện đùa/

Với em gái bé/

Phải người lớn cơ...

Làm anh đã khó thế, làm thầy càng khó hơn nhiều.

0:00 / 0:00
0:00
Cô trò Trường tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thế Đại
Cô trò Trường tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thế Đại

Tôi có cô cháu dâu là P.T.K.D dạy trung học cơ sở, có lần tâm sự: Bây giờ, bọn cháu dạy học rất khó, giáo khoa nhiều bộ, quy chế, hướng dẫn thay đổi liên tục, lại phải coi học sinh là chủ thể, học sinh có thể yêu cầu thay thầy, cô giáo, cô giáo không dám động đến học sinh vì động đến một tí là học sinh và phụ huynh có ý kiến liền, thậm chí đưa lên mạng. Giải được cho ra thì được vạ má sưng, có những cái không ai giải cho...

Tôi lúc đó không biết trả lời thế nào cho cháu nên chú ý đọc hiểu về hai chủ thuyết: Giáo dục lấy thầy làm trung tâm và giáo dục lấy trò làm trung tâm. Ai cũng có lý. Đọc một hồi, rốt cuộc không biết nên nghiêng lệch bên nào...

Việc phải thay đổi, cải cách trong giáo dục là chuyện đương nhiên vì nó gắn liền với thay đổi, tiến bộ của xã hội về nhân quyền, tri thức, công nghệ và điều kiện vật chất bảo đảm cho việc dạy và học.

Phải "lấy học trò làm trung tâm" quả quyết có như vậy mới nâng cao được chất lượng giáo dục.

Thế nhưng, nhiều năm nay, chúng ta thấy, chất lượng được nâng cao thì ít mà những chuyện không hay xảy ra trong nhà trường thì nhiều.

Dù là nguyên nhân nào, cũng có nguyên nhân từ nền giáo dục coi nhẹ đạo đức, coi nặng hình thức và cực đoan tự do cá nhân.

Cùng với sự thống trị của thực dân Pháp, năm 1919, kết thúc lối học khoa cử, khẳng định việc dạy và học theo mô hình phương Tây. Năm 1945, nền giáo dục mới bắt đầu mà nguyên lý, triết lý của nó đã được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ rằng, khi phủ định nền giáo dục phong kiến, ta chưa thấy hết được ưu điểm của nền giáo dục kéo dài 10 thế kỷ trong đó người thầy đóng vai trò trung tâm và đã đào tạo nên vô số những nhà yêu nước, nhà trí thức lớn như Lê Văn Thịnh, Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... Và không chỉ nệ vào tứ thư ngũ kinh, chiếu biểu, mà trong bốn vòng thi, có hai vòng dành cho sáng tạo cá nhân là thi phú và văn sách, bình luận chính trị, trình bày kế sách xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay cả sách vở của Khổng tử và Bách gia, khi vào Việt Nam cũng đã được biên soạn lại cho phù hợp với thực tế Việt Nam như trường hợp của Phúc Giang thư viện phục vụ Trường Lưu học hiệu của Nguyễn Huy Oánh. Những trí thức, nhà yêu nước lớn trong thế kỷ 20, phần lớn cũng theo học cả Hán học và Tây học, tiếp thụ tinh hoa của cả hai trường phái đó.

Nền giáo dục mới của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được định rõ trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường năm 1945. Đó là "từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam"; "một nền giáo dục của một nước độc lập"; "một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em". Những mệnh đề này rất sáng rõ, là phải xây dựng một nền giáo dục, cũng như văn hóa hoàn toàn Việt Nam, không khước từ kinh nghiệm, tinh hoa thế giới, nhưng không bắt chước, mô phỏng một cách sống sượng, áp đặt. Những chỉ dặn của Bác Hồ năm 1945 là cơ sở của tư tưởng, của triết lý giáo dục Việt Nam mà mục đích là đào tạo ra những công dân hữu ích, phát huy hết mọi khả năng của con người.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: "Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt".

Hơn bao giờ hết, khi những hành vi xuống cấp đạo đức đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội thì việc dạy con người có nhân, có đức, có lẽ sống cao đẹp... lại càng trở nên cần thiết. Chúng tôi là lớp học sinh vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước tức là thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng CNXH trên miền bắc, thời kỳ mà sau này khi đánh giá, nhìn lại, thường chỉ dựa vào những chỉ số phát triển kinh tế, trong kinh tế lại chỉ nói về một tính chất lưu thông phân phối khá đặc thù là "thời kỳ bao cấp" - một cách gọi phiến diện mà bỏ qua nhiều tính chất ưu việt, tốt đẹp khác trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội thời đó. Trong nhiều sự tốt đẹp ấy, có sự trong sáng, cao cả của những người thầy. Những người thầy thời ấy, có thầy rất giỏi chuyên môn, có thầy chưa thật giỏi, nhưng tất cả đều tận tụy, coi học sinh như con, chăm lo vun đắp tâm hồn và nhân cách hướng đến những điều cao thượng; hun đúc chí khí, thổi bùng lên một động lực, một khát vọng vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, tìm hạnh phúc trong sự cống hiến hết mình cho nhân dân, cho đất nước.

Bởi thế, sau bao nhiêu năm, tình cảm thầy trò vẫn luôn sâu nặng!

Thầy giỏi thì trò giỏi. Thầy tốt thì trò tốt. Dù thời thế thay đổi đến đâu, dù có đôi chút biệt lệ, thì điều ấy vẫn không bao giờ thay đổi. Giáo dục là một quá trình mà đầu ra, sản phẩm cuối cùng là người học trò. Ở giữa là cơ chế chính sách và các điều kiện khác. Đầu vào, người giữ vai trò quyết định trong các khâu là người thầy. Vì thế, coi thầy là trung tâm hay trò là trung tâm đều đúng, khi xét từng khâu. Song trong cả hệ thống, phải đặt người thầy ở vị trí đặc biệt, quan trọng nhất.

Và chính người thầy, dù khó khăn đến đâu cũng không khó khăn bằng ngày xưa, dù cơ chế chính sách có chưa hoàn thiện, thì vẫn có thể làm một người thầy giỏi, thầy tốt khi trong mình tự thấy một sứ mệnh, khi có tình yêu sâu sắc với học trò. Như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết một cách giản dị:

Làm anh thật khó

Nhưng mà thật vui

Ai yêu em bé

Thì làm được thôi!