Sứ mệnh ngăn khủng hoảng

Vòng xoáy khủng hoảng đang cuốn nhiều quốc gia vào cảnh khó khăn với bất ổn chính trị leo thang và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực nghiêm trọng. Ngăn chặn những "vòng xoáy chết người" về chính trị, kinh tế, dịch bệnh, đang là sứ mệnh quan trọng của giới lãnh đạo và các nhà khoa học.

Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu ở Sri Lanka.
Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu ở Sri Lanka.

1 Trong một phiên họp vào đêm muộn 3/4, tất cả 26 bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka, ngoại trừ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, đã đồng loạt đệ đơn xin từ chức. Ngày 4/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Cabraal cũng có động thái tương tự. Trước đó, Sri Lanka đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc kéo dài 36 giờ và triển khai quân đội theo tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn những cuộc biểu tình ở khu vực dinh thự của Tổng thống Rajapaksa.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa yêu cầu tất cả các đảng phái chính trị trong quốc hội đoàn kết và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay. Sri Lanka, quốc gia có 22 triệu dân, đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Tình hình càng trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây do tình trạng thiếu nhiên liệu, khiến hoạt động vận tải công cộng bị tê liệt.

2 Liên hợp quốc kêu gọi các nhà tài trợ ngăn chặn "vòng xoáy chết người" về kinh tế tại Afghanistan. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết nền kinh tế của Afghanistan có nguy cơ sụp đổ nếu không có viện trợ khẩn cấp, một số người Afghanistan đã buộc phải bán con và các bộ phận cơ thể để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Liên hợp quốc hiện mới chỉ quyên góp được gần 13% trong mục tiêu 4,4 tỷ USD để viện trợ cho quốc gia Tây Nam Á này trong năm nay. Sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cộng đồng quốc tế đã "đóng băng" gần 9 tỷ USD tài sản của nước này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài không nên bỏ rơi người dân Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh rằng khoảng 95% dân số nước này không có đủ đồ ăn và 9 triệu người đang có nguy cơ chết đói. Theo đó, "nếu không hành động ngay lập tức, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về suy dinh dưỡng và nạn đói tại Afghanistan".

3 Tại một hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh có tên "Sứ mệnh 100 ngày", các nhà khoa học Anh cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 và đại dịch khác trong tương lai. Theo đó, thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó các đại dịch "không thể tránh khỏi", cũng như việc SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi để tạo ra một biến thể mới có khả năng né tránh hệ miễn dịch của con người.

"Sứ mệnh 100 ngày" là một sáng kiến nhằm phát triển các loại vaccine, phương pháp điều trị và thử nghiệm có hiệu quả trong vòng 100 ngày kể từ khi mối đe dọa về dịch bệnh hoặc đại dịch được phát hiện. Chính phủ Anh đã dành ngân sách 5 tỷ bảng Anh (6,55 tỷ USD) để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học về sự sống đến năm 2025, trong đó có việc ngăn chặn các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. 

Sứ mệnh ngăn khủng hoảng -0
Yemen đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng. 

Liên hợp quốc cũng cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực "nghiêm trọng chưa từng có" đang đến gần, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể khiến vụ xuân ở Ukraine bị gián đoạn, trong lúc Nga hạn chế xuất khẩu. Hiện chưa có quốc gia nào có thể bù đắp được lượng xuất khẩu lúa mì của Nga và Ukraine, vốn chiếm một phần ba nguồn cung trên toàn cầu. Điều này khiến việc tìm kiếm nguồn cung lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề chính trên thế giới trong một năm tới. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine sẽ giảm 7 triệu tấn, tức là giảm 12% so mùa trước. Lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá ngũ cốc vào giữa tháng 3 lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Hai năm trước, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cảnh báo khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng trên bờ vực của nạn đói do đại dịch Covid-19.