Sự lạc quan thận trọng

Ngày 4/8 vừa qua, các nhà đàm phán đã khởi động vòng thương lượng thứ tám tại Thủ đô Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015. Dù có những dấu hiệu cho thấy vòng đàm phán lần này có thể đạt kết quả nhất định, song những bế tắc trước đó giữa Iran và Mỹ khiến không nhiều ý kiến tỏ ra quá lạc quan.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: EMAD HAJJAJ
Biếm họa: EMAD HAJJAJ

Theo AP, đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 3 vừa qua. Cuối tháng 6, Qatar đã tổ chức cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington với hy vọng đưa tiến trình đàm phán trở lại đúng đường, song nỗ lực này vẫn chưa giúp đem lại bước đột phá. Tháng 7 vừa qua, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã trình một dự thảo thỏa thuận và kêu gọi các bên chấp nhận văn kiện này nhằm tránh “cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm”. Ông Borrell cho biết, văn bản này bao gồm “các thỏa thuận mà các bên đã rất khó mới đạt được” và “nêu một cách chi tiết việc dỡ bỏ trừng phạt cũng như các bước đi hạt nhân cần thiết để khôi phục thỏa thuận năm 2015”.

Thỏa thuận JCPOA đã được các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga cùng với Iran ký kết tháng 7/2015. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và sau đó áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, trong khi Tehran cũng từng bước ngừng tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận. Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht-Ravanchi tuyên bố, nước này sẵn sàng nối lại việc thực thi đầy đủ các cam kết của mình nếu phía Mỹ đưa ra “quyết định đúng đắn”.

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Takht-Ravanchi nêu rõ, Iran đã tuân thủ các cam kết của mình như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận trong 15 bản báo cáo. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt đơn phương chống Iran. Ông Takht-Ravanchi cũng lưu ý rằng, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran vẫn hành xử có trách nhiệm và thực hiện kiên nhẫn chiến lược nhằm bảo toàn thỏa thuận. Đại sứ Iran cũng cho biết thêm rằng từ tháng 4/2021, Iran đã đàm phán với các bên khác với thiện chí nối lại việc tuân thủ đầy đủ JCPOA, song vẫn chưa đi đến thỏa thuận vì Chính phủ Mỹ chưa đưa ra quyết định bảo đảm các lợi ích kinh tế đã cam kết cho phía Iran theo thỏa thuận.

Áp lực của Mỹ lên Iran vẫn chưa giảm bớt khi chỉ vài ngày trước vòng đàm phán thứ tám, Chính phủ Mỹ đã đưa vào “danh sách đen” sáu công ty bị cáo buộc hỗ trợ Iran tránh các biện pháp cấm vận để xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang châu Á. Những công ty này gồm ba công ty có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc), một công ty ở Trung Quốc đại lục, một công ty ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một công ty ở Singapore.

Lập tức, chính quyền Iran đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ có động thái đáp trả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani nêu rõ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “không ngăn chặn hành động vô ích và mang tính hủy diệt này vào thời điểm các bên nỗ lực nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran”. Ông Kanani cho biết, phản ứng đáp trả của Iran đối với động thái trên của Mỹ sẽ bao gồm mọi biện pháp cần thiết để hạn chế những tác động đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran, vốn được xem là có tác động mạnh đến thị trường “vàng đen” toàn cầu.

Đến nay, khúc mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán liên quan JCPOA chính là do Mỹ chưa đáp ứng một số điều kiện của Iran, trong đó việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran. Giới phân tích cho rằng, cũng như EU, Mỹ muốn Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, song Washington lại mắc sai lầm khi sử dụng đòn trừng phạt để gây sức ép lên Tehran.

Do đó, trước thềm vòng thương lượng mới tại Vienna, các nhà đàm phán đã bày tỏ lạc quan đi kèm với sự thận trọng, bởi các bên vẫn bất đồng trong những vấn đề then chốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cứu vãn JCPOA vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay.