Vì một mối lo chung

Ngay sau khi Hội nghị trực tuyến khẩn cấp của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) về vấn đề Afghanistan khép lại, Italy đề xuất: Tổ chức tiếp một hội nghị của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Những diễn biến mới nhất tại Afghanistan, thật vậy, đã trở thành mối quan tâm chung của toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Chiến sự vẫn chưa thật sự chấm dứt trên mảnh đất ấy, cho dù lực lượng Taliban đã tiến vào Thủ đô Kabul, làm chủ phủ tổng thống và tuyên bố "Chiến tranh đã kết thúc" từ hơn một tuần. Ít nhất, những người vừa giành lại quyền lực đánh mất sau 20 năm ròng vẫn phải đối diện với ba "cuộc chiến".

Đầu tiên, tỉnh Panjshir vẫn còn chưa thuộc về họ, và tại đó, ngọn cờ "Liên minh phương bắc" đã lại được phất lên, quy tụ những tay súng chưa cam chịu đầu hàng. Họ tập hợp dưới sự chỉ huy của cựu phó tổng thống Afghanistan - ông Amrullah Saleh, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Afghanistan - cùng ông Ahmad Massoud - con trai thủ lĩnh chống Taliban Ahmad Shah Massoud.

Thứ hai, Taliban vẫn đang phải nỗ lực ổn định tâm trạng xã hội, xóa bỏ những lằn ranh nằm ngay trong lòng người, đặc biệt là khi hằng ngày vẫn có hàng trăm hàng nghìn người cố tìm cách vượt biên giới sang các quốc gia láng giềng tị nạn, hoặc bám trụ ở sân bay Kabul chờ cơ hội được lên máy bay.

Thứ ba, Taliban có trong tay một đất nước bị tàn phá nặng nề, và tiến trình tái thiết lại phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế.

Đó chính là điểm cốt lõi, để G7 hay G20 không thể ngồi yên nhìn các biến động diễn ra tại đất nước Tây Nam Á ấy. Không chỉ vì những lý do nhân đạo hay hòa bình, ổn định và phát triển, chiến sự ở Afghanistan, thật ra, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của rất nhiều quốc gia phát triển.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tuyên bố ngừng viện trợ cho Afghanistan trong tâm trạng "quan ngại sâu sắc".

Và theo thông tin từ trang web chính thức của WB, có tới hơn 20 dự án phát triển đang thực hiện, nhưng đã bị đình trệ bởi chiến sự tại Afghanistan. Từ năm 2002, WB đã viện trợ cho Afghanistan khoảng 5,3 tỷ USD. Nhưng bây giờ, họ buộc phải "ngừng giải ngân cho các hoạt động của mình, đồng thời theo dõi sát và đánh giá tình hình" - theo lời một quan chức.

Do đó, kể cả khi G7 đã thống nhất được một số chương trình hành động, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio vẫn nhấn mạnh: "Chúng ta đang triển khai ý tưởng về một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để thúc đẩy thảo luận sâu hơn về Afghanistan. Chúng ta sẽ phải tìm kiếm các liên minh và huy động sự tham gia của tất cả các chủ thể, đặc biệt là những nước trong khu vực… bên cạnh Nga và Trung Quốc". Afghanistan đã trở thành một vấn đề toàn cầu đích thực.

Thực tế, chưa có quốc gia nào công nhận tính chính danh của chính quyền Taliban. Cũng bởi vậy, việc thiết lập hoặc nối lại các cơ sở hợp tác phát triển là không hề dễ dàng, đặc biệt là khi những mối liên hệ kinh tế (và ngược lại - những đòn trừng phạt kinh tế) đang sẵn sàng được sử dụng như các công cụ.

Mỹ và phương Tây đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự trở lại, song họ vẫn có khả năng gây sức ép lên chính quyền mới tiếp quản. Thí dụ, Taliban sẽ cực kỳ khó tiếp cận 10 tỷ USD ngân sách quốc gia của chính quyền Kabul trước đây gửi tại các ngân hàng nước ngoài. Và để được các quốc gia thành viên G7 hay G20 thừa nhận, Taliban có thể sẽ phải cam kết đáp ứng không ít những điều kiện ngặt nghèo.

Hướng đến những cuộc thảo luận có sự tham gia của cả Nga, Trung Quốc lẫn các cường quốc khu vực láng giềng như Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thấy là Italy - Chủ tịch luân phiên của nhóm G20 - cố gắng tìm kiếm một cơ chế chung, cụ thể hóa và tối ưu hóa các biện pháp can thiệp phi quân sự.

Vấn đề là, liệu có phải tất cả mọi cường quốc đều nghĩ như họ hay không?.