Vẫn một "lằn ranh đỏ"

Những bàn tay đã bắt đầu ngập ngừng chìa ra, từ cả phía Nga và phía Mỹ. Ðó thật sự là một nhu cầu cấp thiết, dưới áp lực nặng nề của các vấn đề kinh tế - xã hội đang đè nặng lên cả họ lẫn toàn thế giới. Tuy vậy, việc hai bên sẽ có khả năng nhượng bộ nhau đến đâu, và thỏa hiệp ở những vấn đề nào, thì vẫn là một câu hỏi để ngỏ.

Mở lời" trước, nhưng chỉ hai ngày sau khi đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) đề xuất một cuộc gặp cấp cao với người đồng cấp Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin), Oa-sinh-tơn (Washington) trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt lên 10 cá nhân và thực thể Nga. Ngược lại, Mát-xcơ-va (Moscow) cũng có những biện pháp đáp trả tương xứng.

Tất cả những động thái đó, dĩ nhiên, khiến một cảm giác bất an bao trùm. Sau đó, ngày 25-4, Ðiện Krem-li (Kremlin) thông báo rằng, hai nguyên thủ quốc gia Nga và Mỹ "có thể gặp nhau, song quyết định cuối cùng sẽ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố". Ngày 27-4, Bộ Ngoại giao Nga hé lộ đã đề xuất đối thoại với phía Mỹ về ổn định chiến lược. Tuy vậy, thực tế là cho đến lúc ấy, hai bên vẫn chưa có các cuộc thảo luận ở cấp chuyên viên.

Nghĩa là, cuộc hội đàm cấp cao mới chỉ là vài gạch đầu dòng trên giấy.

Mỹ không chỉ đại diện cho chính mình, mà còn làm "dâng trào" cả một làn sóng căng thẳng với Mát-xcơ-va từ phía phương Tây nói chung, tức là bao gồm các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Cũng mới tháng trước, Nghị viện châu Âu tuyên bố Nga không còn là đối tác chiến lược của EU. Ðáp lại, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: Nếu EU còn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc, Nga "sẵn sàng cắt đứt toàn bộ quan hệ".

Trong bối cảnh ấy, sẽ rất khó để Nga và Mỹ "cài đặt lại quan hệ". Ngược lại, có lẽ cách nhìn nhận vấn đề của Tổng thống Nga V.Pu-tin thực tế hơn nhiều, rằng: "mối quan hệ này sẽ khó mà bị tổn hại thêm được nữa (khi nó đã ở mức thấp đến như vậy)". Chiến tranh Lạnh đã kết thúc 30 năm, song những tàn dư của nó dường như vẫn đang giữ nguyên một "bức màn sắt" ngăn cách Ðông - Tây, nhất là từ sau khi nước Nga trỗi dậy, từng bước tìm lại vị thế vốn có - vị thế một "kình địch" thách thức thế giới đơn cực mà Mỹ muốn áp đặt, cũng là vị thế bị nhìn nhận như một mối đe dọa đối với trật tự theo kiểu phương Tây.

Vấn đề cốt lõi đó khiến suốt 20 năm qua, căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây luôn là một phần tất yếu của đời sống chính trị thế giới, một vòng xoáy bất tận, cho dù xuất phát từ cái cớ là, cạnh tranh lợi ích kinh tế, mâu thuẫn tư tưởng hay xung đột ảnh hưởng địa chính trị. Dù là một tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa như Ðô-nan Trăm (Donald Trump) hay các tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ, cách tiếp cận này dường như cũng khó có thể thay đổi.

Có điều, những vận động của thế giới hiện tại đặt ra quá nhiều khía cạnh mới để bất cứ cường quốc nào cũng phải cân nhắc về mọi động thái của mình. Bệnh dịch và hơn thế là biến đổi khí hậu đang làm rung chuyển mọi kết cấu xã hội, đầu tiên là với việc hủy hoại mọi nền kinh tế.

Sự thiếu hụt tiềm lực tài chính là một trong những nguyên nhân chính khiến liên tiếp hai đời Tổng thống Mỹ đối lập với nhau lại vẫn duy trì nhất quán việc triệt thoái binh sĩ đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) hay I-rắc (Iraq), nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Cùng lý do ấy, đẩy cao căng thẳng đến độ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ là điều cực kỳ mạo hiểm, chưa cần đến những va chạm trực tiếp.

Bởi vậy, khi Tổng thống Nga V.Pu-tin tuyên bố trong Thông điệp Liên bang: "Tôi hy vọng không nước nào nghĩ tới việc vượt qua lằn ranh đỏ (trong mối quan hệ) với Nga", bất cứ đối thủ nào cũng sẽ phải nghĩ đến viễn cảnh "lưỡng bại câu thương". Có thể không tốt lên ngay, nhưng nhất thiết không nên để mọi chuyện tệ đi thêm nữa…