Thời gian không đợi

Ngày 22/10, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Mỹ cùng ba cường quốc châu Âu là Anh - Pháp - Đức đã nhất trí đưa Iran nhanh chóng trở lại bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân. Song, đến ngày 26/10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vẫn phát biểu đầy "ý nhị": "Mỹ và châu Âu đang gặp khủng hoảng trong việc ra quyết định".

Bốn ngày không phải là một quãng thời gian quá dài. Song, 96 giờ sau một tuyên bố quan trọng liên quốc gia mà chưa có động thái cụ thể nào được xúc tiến trong thực tế - cho dù có thể có những vận động không công khai - thì vẫn là một bối cảnh để Tehran "chiếm tiên cơ" trên các phương tiện truyền thông, và tạo thêm áp lực.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng không cần phải "đao to búa lớn" gì nhiều. Ông, trong Hội thảo đoàn kết Hồi giáo quốc tế lần thứ 35 được tổ chức tại Tehran, chỉ cần nhấn mạnh lại những điều quen thuộc: Iran cam kết thực hiện những gì đã hứa. Chính sách đối ngoại của Iran tập trung vào mở rộng tương tác với thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, tuy nhiên nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không gắn nền kinh tế của mình vào các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Chỉ như vậy thôi, cũng đã đủ để "quả bóng trách nhiệm" được đẩy sang phần sân của các cường quốc phương Tây thuộc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) cùng ký Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran năm 2015.

Bởi vì, cho đến hiện tại, Tehran không có nhiều lý do, nếu không muốn nói là chẳng có lý do nào để phải "sốt ruột". Xét cho cùng, bất chấp việc liên tiếp phải nhận những lệnh cấm vận và trừng phạt được áp đặt đơn phương dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ khi nhà lãnh đạo này đưa nước Mỹ rời bỏ JCPOA năm 2018, Iran vẫn không gục ngã.

Và hiện tại, với JCPOA, nước Mỹ vẫn đang chỉ là một "kẻ ngoài rìa". Phái đoàn Mỹ không có vị thế cũng như thẩm quyền được chính thức tham dự các cuộc thương thảo về JCPOA, đặc biệt là không cách nào đàm phán trực tiếp với Iran. Mà điểm "tế nhị" là đây: Nếu không thuyết phục được Tehran "nhân nhượng" để lấy lại được vai trò chính thức đó, chính sách đối ngoại mà đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đuổi - nghĩa là đảo ngược chính sách đối ngoại theo khuynh hướng biệt lập "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm, đồng thời thể hiện vai trò rõ nét như đã từng có tại mọi điểm nóng toàn cầu - có nguy cơ phá sản.

Chính vì thế, hai tuần trước, ngày 14/10, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran - ông Robert Malley - đã phải "gióng dả": "Chúng tôi cho rằng cách tốt nhất để thúc đẩy tình hình, và chúng tôi nghĩ Iran cũng ủng hộ điều này, là quay trở lại JCPOA, sau đó thảo luận về các biện pháp hỗ trợ hay tăng cường, hoặc là giải quyết những vấn đề vẫn còn gây tranh cãi".

Và ngày 22/10, tại Paris, là sự đồng thuận của Mỹ - Anh - Pháp - Đức.

Tuy vậy, đi kèm với tuyên bố ngày 22/10 đó vẫn là một điều kiện: Iran phải chấm dứt những hành vi vi phạm JCPOA "nghiêm trọng chưa từng thấy", đồng thời cũng cần nối lại việc hợp tác đầy đủ, nhanh chóng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Lập trường của Iran rõ ràng là không thay đổi: Mỹ đã vi phạm thỏa thuận trước, do đó Tehran có quyền thu hẹp các cam kết. Vì thế, nếu muốn trở lại đàm phán, các hình thức trừng phạt và cấm vận phải được dỡ bỏ. Từ góc nhìn này, sau tuyên bố Paris, phương Tây không những chẳng đưa ra được đề xuất cụ thể mang tính đột phá nào, mà vẫn loay hoay trong sự bế tắc, bởi rõ Tehran chắc chắn sẽ không khoan nhượng.

Năm 2021 đã đi đến chặng cuối, và nước Mỹ sẽ có một cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới. Nhà trắng vội, chứ Tehran không vội. Thậm chí, mọi diễn biến còn đang gợi liên tưởng về cuộc khủng hoảng con tin, bắt đầu từ ngày 4/11/1979, khi sự cứng rắn của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter lúc đó đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran càng khiến mọi chuyện chìm sâu vào khó khăn.