Thêm một lần bị thử thách

Ngày 25-5, đất nước Ma-li (Mali) lại chứng kiến thêm một cuộc chính biến quân sự - điều khá quen thuộc trong lịch sử của họ, kể từ khi giành được độc lập năm 1960. Những ước mơ và khao khát về hòa bình, ổn định của người dân Ma-li, cũng vì thế, có lẽ lại thêm một lần bị thử thách.

Theo Reuters, AFP, AP và các hãng tin quốc tế lớn, những nhà lãnh đạo hàng đầu của chính phủ lâm thời Ma-li - như Tổng thống B.Nơ-đao (Bah Ndaw), Thủ tướng M.U-a-nê (Moctar Ouane) và Bộ trưởng Quốc phòng X.Đu-cu-rê (Souleymane Doucoure) - đã bị đưa đến một căn cứ quân sự ở ngoại ô Ba-ma-kô (Bamako), sau khi lực lượng đảo chính do đại tá A.Gôi-ta (Assimi Goita) cầm đầu bắt giữ tất cả vào ngày 24-5. 

Những diễn biến này nổ ra chưa đầy một năm sau cuộc đảo chính tháng 8-2020, khi cũng chính quân đội lật đổ cựu Tổng thống I.B.Kê-i-ta (Ibrahim Boubacar Keita), ép nhà lãnh đạo này tuyên bố từ chức, đồng thời giải tán Quốc hội.

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi phản ứng chung của cộng đồng quốc tế là lo lắng. Phái đoàn Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Ma-li (MINUSMA) ra thông cáo kêu gọi “các bên giữ bình tĩnh và trả tự do vô điều kiện cho các quan chức bị bắt giữ”. Liên hiệp châu Âu (EU) đánh giá: “Những gì xảy ra là rất nghiêm trọng, và chúng tôi (EU) sẵn sàng xem xét các biện pháp cần thiết”. Mỹ, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia châu Phi (AEC) cũng lên án hành động đảo chính cũng như các vụ bắt giữ. 

Bởi vì, bất kể với lý do nào được đưa ra, bất kể việc lãnh đạo lực lượng đảo chính vẫn khẳng định rằng “quá trình chuyển đổi đang diễn ra bình thường và các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức như dự kiến vào năm 2022”, như cam kết với cộng đồng quốc tế, thì những ảnh hưởng, xáo trộn và tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội Ma-li cũng vẫn là không thể tránh khỏi.

Nói một cách ngắn gọn, những vấn đề khúc mắc trong xã hội ấy còn chưa thể được xử lý và giải quyết triệt để từ cuộc đảo chính năm ngoái, thì cuộc chính biến lần này lại đào sâu thêm hố sâu chia rẽ, đồng thời đe dọa đến tính hiệu quả của ngân sách 12,5 tỷ USD hằng năm mà LHQ đang phải chi cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại đây. Cũng bởi vậy, hành động này có thể xem là đầy tính thách thức đối với cộng đồng quốc tế. 

Bản chất của cuộc đảo chính này, xét cho cùng, là gì? Reuters dẫn lời một cựu quan chức của Ma-li, “Hành động này là nhằm khôi phục các vị trí (quyền lực)”. Cụ thể hơn, Chính phủ lâm thời Ma-li mới tuyên bố điều chỉnh nhân sự cấp cao (ngày 24-5), và theo kế hoạch, một số người sẽ bị thay thế. Điều này, rõ ràng, là không chấp nhận được với những người bị gạt bỏ, đồng thời cũng trở thành cơ hội thâu tóm quyền lực, nếu có thể khiến “tất cả những ai dính dáng đến kế hoạch cải tổ sẽ bị buộc rời bỏ cương vị”. 

Vấn đề là, chia rẽ và mâu thuẫn có thể dẫn tới xung đột hay thậm chí nội chiến, cũng có thể trở thành môi trường lý tưởng để các tổ chức khủng bố cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gieo rắc mầm mống hận thù và phát triển lực lượng, như bài học xương máu tại I-rắc (Iraq) trước đây. 

Và vấn đề còn là những tiếng vọng từ lịch sử. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1968, Ma-li chìm trong bất ổn, bế tắc cũng như trì trệ đến tận năm 1991, khi một cuộc đảo chính khác đặt nền móng cho quãng thời gian yên ổn phát triển, dưới sự điều hành của các chính phủ dân sự. 

Nhưng kể từ năm ngoái, nền tảng ổn định đó đã bị xói mòn và hủy hoại. Còn hiện tại, với những gì đang diễn ra, mọi chuyện càng trở nên trầm trọng hơn.