Thêm củi cho vạc dầu sôi

813,3 tỷ USD. Con số gây choáng váng ấy là đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 28/3, cho các lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong ngân sách tài khóa 2023. Cho dù có được thông qua bởi Quốc hội Mỹ hay không, khuất lấp sau nó vẫn sẽ là rất nhiều toan tính cũng như âu lo.

Như thông báo từ Nhà trắng, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, bao gồm tối ưu hóa hạm đội hải quân, hỗ trợ các sáng kiến hiện đại hóa quân đội và đầu tư vào phát triển năng lực tiến công tầm xa siêu thanh, nhằm tăng cường khả năng răn đe.

Đề xuất còn bao gồm tăng lương 4,6% cho các thành viên phục vụ và lực lượng dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ. Yêu cầu này cũng nhằm đầu tư vào an ninh mạng cho Bộ Quốc phòng và giảm tác động của biến đổi khí hậu...

Đề xuất 813,3 tỷ USD này cao hơn tới 31 tỷ USD (tương đương 4%) so mức 782 tỷ USD chi tiêu quốc phòng đã được nêu trong dự luật tài trợ 1.500 tỷ USD của chính phủ, mà Tổng thống Mỹ vừa ký hồi đầu tháng.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden nhấn mạnh: Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho an ninh quốc gia trong lịch sử Mỹ, với số tiền cần thiết để bảo đảm rằng quân đội Mỹ vẫn là quân đội được đào tạo tốt nhất và được trang bị tốt nhất trên thế giới.

Có nhiều lý do để tin rằng, trên bề mặt, những diễn biến chiến sự và cả địa chính trị xoay quanh "điểm nóng" Ukraine là nguyên nhân chính để Lầu năm góc được "đầu tư vượt mức" đến như vậy. Chiến tranh nói chung cũng như chiến tranh phi đối xứng nói riêng trong thời đại bùng nổ công nghệ này đang đặt ra quá nhiều thách thức lớn lao cho các cường quốc quân sự, kể cả những quyền lực hàng đầu.

Không chỉ vậy, như một câu ngạn ngữ La Mã cổ: "Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" (Si vis pacem, para bellum), đây không chỉ là câu chuyện về năng lực tác chiến của quân đội Mỹ, mà còn là cách biểu thị với thế giới rằng năng lực ấy vẫn đã, đang và sẽ được củng cố, để bảo đảm khả năng răn đe của cường quốc số 1 thế giới, điều đang bị thách thức bởi hiện thực.

Nói cách khác, đó cũng là phương thức trấn an các đồng minh, đặc biệt trong hiện trạng những mối nghi ngờ và những vết rạn ngày càng trở nên dễ thấy hơn giữa hai bờ Đại Tây Dương, khi Liên minh châu Âu (EU) tìm kiếm một con đường riêng, độc lập với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Và khuất lấp sau tất cả, cuối cùng, đây vẫn là "chuyện làm ăn". Bởi vì dù thế nào, ngành công nghiệp quốc phòng vẫn là một "mỏ vàng" của nước Mỹ, để những khoản đầu tư càng lớn thì càng hứa hẹn nhiều lợi nhuận.

Đây hoàn toàn không phải là một bí mật. Hơn một tháng trước, ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực quốc phòng. Theo báo cáo của Lầu năm góc, đây là một phần trong chiến lược tổng thể của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực.

Bởi, quân đội Mỹ đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các nhà thầu trong ba thập niên qua. Thí dụ: Số lượng nhà cung cấp tên lửa chiến thuật đã giảm mạnh từ 13 xuống còn 3, và số lượng nhà cung cấp máy bay cánh cố định giảm từ 8 xuống 3, trong khi 90% số tên lửa đến từ ba nhà cung cấp. Do đó, hệ thống này cần những xung lực mới, mà việc gia tăng ngân sách quốc phòng chắc chắn sẽ là công cụ hữu hiệu để tạo nên các xung lực đó, khi được "rót" một cách rộng rãi cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng (hay nói cách khác, "công nghiệp chiến tranh").

Và dĩ nhiên, "điều gì cũng có giá của nó", nói như chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (ngày 12/3), người đang kêu gọi Mỹ và phương Tây viện trợ thêm nhiều vũ khí hơn nữa. Vũ khí viện trợ vẫn đang được chuyển đến Ukraine, nhưng chắc chắn "chẳng có gì là miễn phí". Mà sau Ukraine, gần như cả châu Âu cũng đang ráo riết tăng cường ngân sách quốc phòng…