Thảm kịch bị lãng quên

Cả thế giới đổ dồn sự chú ý về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền đông Ukraine, và thậm chí trở nên chia rẽ sâu sắc vì nó. Song, 11 năm qua, vẫn đang hiện hữu một cuộc xung đột vũ trang khác. Hay nói đúng hơn, một tấn bi kịch khác chưa có hồi kết đích thực trong lịch sử nhân loại.

NGÀY 28/6, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc công bố một báo cáo, theo đó xác nhận: số dân thường thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Syria đã vượt quá 300.000 người.

Cụ thể, kể từ khi chiến sự bùng nổ tại quốc gia Trung Đông này hồi tháng 3/2011 đến nay, đã có 306.887 người thiệt mạng chính thức được ghi nhận. Đây là những nạn nhân trực tiếp của các chiến dịch quân sự cũng như những cuộc giao tranh.

Trong đó, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của họ là việc bị mắc kẹt trong các trận đánh, các cuộc phục kích và những vụ thảm sát (chiếm tới 35,1%). Kế tiếp, 23,3% số tính mạng thường dân bị cướp đi bởi trúng phải những vũ khí hạng nặng.

Con số khủng khiếp của cả thập niên trên, được làm rõ, không bao gồm những cái chết do không được chăm sóc y tế, hay thiếu lương thực và nước uống.

Khía cạnh đáng sợ nhất của câu chuyện này là gì?

Có lẽ, nó không phải là chuyện: Cho dù xung đột diện rộng xem như đã chấm dứt, nhưng vẫn tồn tại những trận giao tranh ở phạm vi cục bộ giữa các phe phái (cả trong nội bộ lẫn các thế lực từ bên ngoài Syria), với đầy đủ tính bạo lực của chiến tranh.

Và dường như, cũng không hẳn là sự "rình rập" của những thảm trạng nhân đạo-hệ lụy tất yếu của xung đột vũ trang. Cho dù, vào ngày 20/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lại phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ủy quyền viện trợ xuyên biên giới vào khu vực phía tây bắc Syria, đồng thời kêu gọi các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an duy trì sự đồng thuận về việc cho phép các hoạt động xuyên biên giới, gia hạn Nghị quyết 2585 về việc này thêm 12 tháng, nhằm giải quyết tình trạng đau khổ và dễ tổn thương của 4,1 triệu người trong khu vực, vốn cần viện trợ và bảo vệ.

Đó đều là những thực tế đã, đang và sẽ còn diễn ra. Chúng khiến một câu hỏi chưa từng có lời đáp lại càng trở nên day dứt: Vì sao cuộc xung đột vũ trang này vẫn mãi không chấm dứt, bất kể việc nó đã từng trở thành cái nôi dung dưỡng và khởi phát của một thế lực kinh khủng là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như đã từng chứng kiến sự can dự trực tiếp của các cường quốc hàng đầu thế giới (Mỹ, Nga và phương Tây)?

CÂU trả lời thỏa đáng có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng, các cường quốc chưa làm tất cả mọi cách có thể, để chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi hơn 300.000 sinh mạng qua 11 năm này.

Thế giới, hiện tại, cũng chỉ có thể chấp nhận thực tế rằng những thảm trạng nhân đạo tại Syria vẫn có thể trở nên rõ rệt hơn, từng ngày, nhất là khi bên cạnh các nỗ lực viện trợ xuyên biên giới thì cũng vẫn có những cuộc hành quân qua biên giới, được thực hiện bởi quân đội của cả những quốc gia khác trong khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tiến trình hòa giải dân tộc và chấm dứt thù hận nội bộ Syria lại vẫn còn vô cùng mờ mịt.

Ở đây, có lẽ cũng nên nhắc đến một điểm đáng lưu ý: Trong vai trò thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nước Nga luôn để ngỏ khả năng phủ quyết việc gia hạn cơ chế viện trợ nhân đạo xuyên biên giới, khi nó chưa nhận được sự đồng ý của Damascus (nghĩa là vi phạm chủ quyền quốc gia của Syria). Và hơn thế, khi những đoàn xe ấy hướng đến vùng Idlib - "thành trì của lực lượng đối lập", chúng cũng hoàn toàn có thể mang theo… vũ khí.

Và như thế, lửa xung đột vẫn sẵn sàng bùng lên, nhằm phục vụ các toan tính không gắn liền với lợi ích đích thực của những người dân thường mất nhà mất cửa, mất cả người thân tại Syria.