Tầm nhìn mới cho châu Âu

Diễn ra và khép lại ngày 9/5 - được gọi là Ngày châu Âu - tại thành phố Strasbourg (Pháp), Hội nghị Tương lai châu Âu chứng kiến Nghị viện châu Âu (EP) tiếp nhận hàng loạt những đề xuất cải cách đầy tính gợi mở, nhằm thúc đẩy tiến trình thay đổi của Liên minh Châu Âu (EU), nhằm đáp ứng các yêu cầu của thời đại.

ĐÔI khi châu Âu tỏ ra không đủ nhanh và không đủ tham vọng" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận xét, trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị.

Do đó, với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, ông đề nghị cử tọa tham gia thảo luận về tất cả các vấn đề lớn: Từ biên giới của EU đến các thể chế mới, các dự án văn hóa, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… Hiển nhiên, đây cũng là cách để đưa những quyết định phức tạp từ thượng tầng có thể tiếp cận 450 triệu công dân EU dễ dàng hơn.

Thực tế, các cuộc khủng hoảng trong quá khứ gần đã tác động đến châu Âu rất nhiều, và đặt ra những nhu cầu thay đổi ngày càng rõ rệt. Đơn cử, trong đại dịch toàn cầu Covid-19, EU thiếu các công cụ hữu hiệu để phản ứng nhanh chóng với tình huống khẩn cấp trên toàn châu lục.

TRONG lễ bế mạc, Chủ tịch EP Roberta Metsola cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhận báo cáo tổng kết các kết luận của hội nghị từ ban điều hành.

Báo cáo này tập trung 49 đề xuất, bao gồm các mục tiêu cụ thể và hơn 320 biện pháp cho các tổ chức của EU về chín chủ đề: Biến đổi khí hậu và môi trường; Sức khỏe; Tạo sức mạnh kinh tế, công bằng xã hội và việc làm; EU trên thế giới; Giá trị và quyền, pháp quyền, an ninh; Chuyển đổi kỹ thuật số; Nền dân chủ châu Âu; Di cư; Giáo dục, văn hóa, thanh niên và thể thao.

Các đề xuất này được đưa ra dựa trên ý kiến của công dân đã trao đổi trong các hội đồng công dân châu Âu, hội đồng quốc gia, cũng như dựa trên những đóng góp được cung cấp thông qua nền tảng kỹ thuật số đa ngôn ngữ. Và theo đánh giá của Chủ tịch EP Roberta Metsola: Người dân, đặc biệt là giới trẻ, đóng vai trò trọng tâm trong tầm nhìn của lãnh đạo châu Âu về tương lai của liên minh. Bởi vậy, chính họ đã định hình các kết luận của hội nghị.

Và nói như người đứng đầu nước Pháp: "Chúng ta phải tiếp tục tiến trình phát triển này, nhằm bảo đảm rằng EU đủ khả năng đáp ứng những nguyện vọng và mong đợi của người dân. Hội nghị Tương lai châu Âu là một cuộc diễn tập tham vọng chưa từng có, thổi một luồng gió mới vào lục địa của chúng ta".

TẤT nhiên, việc biến "nguồn đề xuất phong phú mà mỗi cơ quan của EU đều phải có trách nhiệm xem xét trong khả năng của mình" này sẽ không thể là chuyện một sớm một chiều.

Tuy vậy, ít nhất, theo ông Guy Verhofstadt, đồng chủ tịch Ban điều hành đại diện cho EP, các khuyến nghị của công dân và kết luận của Hội nghị đã giới thiệu với các nhà lãnh đạo châu Âu một lộ trình nhằm giúp hoạt động của EU trở nên hiệu quả và dân chủ hơn. Vào tháng 9, như Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, sẽ có những đề xuất cải cách chính thức được công bố. Còn trước mắt, ngay trong tháng tới, EC sẽ "xác định những điều kiện cần thiết để hiện thực hoá các đề xuất".

Thực tế, những đòi hỏi cải tổ này đã manh nha hiện hữu ngay từ đầu thập niên trước, lúc EU còn chưa thôi vật lộn với cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, khi tổ chức ấy còn cùng lúc phải đối diện các cuộc "khủng hoảng kép" về cấu trúc xã hội, người di cư, nguy cơ khủng bố và nhất là thách thức về cân bằng chiến lược địa chính trị.

Song, dường như, phải đến hiện tại, khi tiến trình rời EU của nước Anh đã hoàn tất, khi các vận động tái định hình trật tự thế giới trở nên dữ dội hơn, khi bệnh dịch và biến đổi khí hậu trở thành những "mệnh đề tồn vong" chung cho cả loài người, những động lực "chuyển mình" dành cho "cựu lục địa" mới thật sự đủ mạnh mẽ.