Sự đã rồi !

Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: Nước Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận với Đức, liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Như vậy, một trong những câu chuyện gây nhiều tranh cãi nhất trong những năm qua tại châu Âu đã dần đi đến hồi kết.

Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price hé lộ: “Đức đã đưa ra các đề xuất hữu ích, và chúng tôi đã đạt được tiến triển trong mục tiêu chung”. 

Những thông tin chi tiết cuối cùng vẫn chưa thể được công bố. Song, như hãng AP dẫn các nguồn tin từ Quốc hội Mỹ, theo phác thảo của thỏa thuận, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được phép hoàn thành, và Đức hoặc Nga cũng sẽ không phải đối mặt các lệnh trừng phạt mới của Washington. Đổi lại, Mỹ và Đức sẽ có những nhượng bộ nhất định đối với Ukraine và Ba Lan, mặc dù chưa rõ liệu những điều khoản trên có được hoan nghênh hay không.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet đã tới Ukraine trước khi đến Ba Lan, hai quốc gia chỉ trích mạnh mẽ Đức về thỏa thuận thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga.

Ngày 15/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel công du tới nước Mỹ, nhằm tái khởi động quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Dòng chảy phương Bắc 2 được giới quan sát quốc tế xem là một trong những khúc mắc then chốt tồn tại, và sẽ rất khó mở được “đột phá khẩu”.

Trước đây, Mỹ và một số nước Đông Âu lo ngại rằng với hệ thống đường ống mới chạy qua biển Baltic gần như đã hoàn thiện này, Nga có thể loại Ukraine khỏi lộ trình trung chuyển khí đốt tới châu Âu, khiến Kiev mất đi nguồn thu đáng kể lâu nay. Đồng thời, dự án này sẽ càng khiến châu Âu phụ thuộc nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Đức đã luôn bác bỏ những mối lo ngại ấy, cũng như những sự phản đối từ phía Mỹ. 

Xoay quanh Dòng chảy phương Bắc 2, thậm chí cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng áp đặt lệnh trừng phạt lên một số thực thể kinh tế Đức - điều mà đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden hai tháng trước đây đã tuyên bố đình chỉ. 

Động thái ấy cho thấy rằng ông chủ hiện tại của Nhà trắng thật sự muốn tìm một giải pháp, và thật sự muốn làm nồng ấm trở lại mối quan hệ với “trái tim của nền kinh tế châu Âu”. Và sau cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ, Tuyên bố Washington đã được đưa ra, như một sự tái khẳng định các cam kết hợp tác. 

Tuy vậy, kể cả với Tuyên bố Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn bày tỏ sự quan ngại về Dòng chảy phương Bắc 2. Có điều, như chính ông thừa nhận: Khi dự án đã hoàn thành tới 98% khối lượng công việc (theo thông tin từ Giám đốc điều hành Nord Stream 1 - Matthias Warnig), việc áp đặt các biện pháp trừng phạt “dường như không có ý nghĩa gì”. 

Giải pháp mà người đứng đầu nước Mỹ lựa chọn là yêu cầu các cơ quan chuyên môn xem xét các biện pháp mà hai nước có thể cùng nhau thực hiện. Đó là một quyết định phù hợp thực tế. Một thỏa hiệp cần thiết trước “sự đã rồi”, đổi lại là việc nước Đức cam kết rằng Ukraine vẫn là một điểm trung chuyển khí đốt, cho dù Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động. 

Những cố gắng áp đặt trừng phạt của chính quyền Mỹ tiền nhiệm đã tỏ ra vô ích, và vô nghĩa. Vượt trên mọi tính toán hay lo ngại về những nguy cơ địa chính trị, Dòng chảy phương Bắc 2 ra đời và được xây dựng là điều phù hợp lợi ích kinh tế xã hội của cả nước Nga cũng như các nước Liên minh châu Âu có nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng này từ Nga, nhằm bảo đảm điều kiện sinh hoạt trong mùa đông cho người dân, với mức chi phí được hạ thấp xuống, cũng như nguồn cung ổn định hơn. Cũng có nghĩa là, những lợi ích và tiềm năng hợp tác kinh tế sẽ được mở rộng hơn.

Đó là lý do chính khiến bất kể việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “khó chịu ra mặt” thế nào, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn quyết tâm bắt tay với nước Nga, thúc đẩy dự án này. Để hiện tại, Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ còn chờ hoàn tất những công đoạn cuối cùng.