Sự cân bằng nằm ở điểm khởi đầu

"Thời gian đang cạn kiệt. Nếu không đạt được những tiến bộ thực thụ, trong bối cảnh chương trình hạt nhân của Iran đang được đẩy nhanh, thỏa thuận hạt nhân sẽ sớm trở thành một cái vỏ rỗng"-các nhà ngoại giao thuộc nhóm E3 (Anh, Pháp và Đức) lo ngại. Song, dường như cả hai "người chơi chính" vẫn chưa thật sự cảm thấy bị thúc bách, để bắt đầu lật ngửa các quân bài.

Ngày 14/12, như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken hé lộ, Washington đã và đang cùng các đồng minh lên kế hoạch cho "phương án thay thế" trong trường hợp những nỗ lực đàm phán với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) không đạt kết quả.

"Tới giờ này, ngày này, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách ngoại giao (với Iran), vì đây vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tích cực bàn thảo với các đồng minh và đối tác về những phương án thay thế"-ông nhấn mạnh. Và người đứng đầu ngoại giao Mỹ nhắc lại sự ví von đầy lo lắng của các đồng nghiệp châu Âu, nếu JCPOA "chỉ còn là một chiếc vỏ rỗng".

Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cho rằng các biện pháp ngoại giao thực chất và hai chiều chưa được các nước phương Tây đẩy mạnh, mặc dù Tehran đã rất nỗ lực để thu hẹp khoảng cách với các bên tham gia đàm phán.

Từ ngày 11/12, Thứ trưởng Ali Bagheri Kani đã một lần nữa khẳng định: Tehran sẽ không chấp nhận bất cứ văn bản nào ngoài thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hồi năm 2015, đồng thời nhấn mạnh rằng đây vẫn sẽ là "ranh giới đỏ" của Iran trong cuộc đàm phán đang diễn ra tại Vienna (Áo).

Hai ngày sau, quan điểm này được nhắc lại rõ ràng thêm, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov điện đàm với người đồng cấp Iran-ông Hossein Amir Abdollahian. Hai người lãnh đạo ngành ngoại giao hai nước thống nhất lập trường chung là khôi phục JCPOA với phiên bản cân bằng ban đầu đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2015-như "hướng đi đúng đắn duy nhất nhằm bảo đảm lợi ích của tất cả các bên tham gia JCPOA".

Cơ sở lập luận của Tehran là tương đối vững vàng, theo các diễn biến chính trong thực tế quá khứ gần: Năm 2015, JCPOA được ký kết, và được các phía thực thi nghiêm chỉnh. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, vì cho rằng JCPOA là "một thỏa thuận tồi", đã đơn phương đưa nước Mỹ rút lui và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Do đó, Iran có quyền thu hẹp các cam kết-đồng nghĩa với việc gia tăng hoạt động phát triển hạt nhân.

Theo Tehran, không có lý do gì để họ phải đàm phán lại về các điều khoản mới-điều cũng gần như chấp nhận một "JCPOA mới", và cũng chính là hướng đi mà chính quyền Mỹ dưới nhiệm kỳ Tổng thống trước đã cố gắng gây sức ép để hiện thực hóa.

Mặc dù vậy, ngày 13/12, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna-Mikhail Ulyanov-vẫn kêu gọi: "Chúng tôi cho rằng cả hai nước (Mỹ và Iran) nên ngừng các động thái theo hướng từ bỏ JCPOA, ít nhất là trong thời gian đàm phán, để cuộc thảo luận của chúng ta về việc quay trở lại thỏa thuận này sẽ diễn ra nhanh hơn".

Dù sao, tiến trình tăng cường nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran trong thời gian gần đây cũng vẫn là "một vấn đề gai góc" đối với các cường quốc nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), nhất là đối với các cường quốc phương Tây thuộc nhóm E3. Nếu Iran cứ mãi tỏ ra cứng rắn quá mức, rõ ràng là hành trình tìm kiếm điểm thỏa hiệp mà cả hai phía đều chấp nhận được cũng sẽ cứ mãi xa vời.

Và dù sao, đặt trên cán cân nặng-nhẹ, hồi sinh JCPOA vẫn là mục tiêu tối thượng, quan trọng hơn tất cả các vấn đề khác, nhằm vãn hồi, bảo đảm và duy trì ổn định cho khu vực cũng như trên phạm vi chiến lược toàn cầu.

Cán cân ấy vốn đã có sẵn một điểm cân bằng. Chỉ là, sau 5 năm, Washington có thật sự muốn trở lại điểm khởi đầu của một tiến trình hay không…