Sau đêm dài, đã le lói bình minh

Ít nhất, với thế giới đang chìm trong lo âu, những tia hy vọng bình yên cũng vẫn hiện hữu. Kể từ 19 giờ ngày 2/4 (giờ địa phương), tiếng súng đã tạm ngừng trên đất nước Yemen, sau bảy năm u tối. Các hoạt động quân sự cả trên bộ, trên biển và trên không đều sẽ tạm dừng.

ĐÂY mới chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, có hiệu lực kéo dài hai tháng. Và theo Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Yemen - ông Hans Grundberg, việc thỏa thuận này đứng vững trong thực tế cũng "còn phụ thuộc nhiều cam kết của các bên". Tuy nhiên, ông "hy vọng rằng thiện chí của các bên mà tôi được chứng kiến sẽ giúp giảm căng thẳng trong dài hạn".

Song song với lệnh ngừng bắn, những lần thương thảo về cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu này vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành, tại Saudi Arabia hay tại các địa điểm khác chưa xác định.

Trong thời gian tới, dự kiến lực lượng Houthi và liên minh quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu cũng sẽ nhóm họp, để thảo luận về việc mở một số tuyến đường. Dường như, họ đều cảm thấy đã đến lúc thúc đẩy những giải pháp chính trị.

TRẠNG thái bình yên bắt đầu từ ngày 2/4 và kéo dài đến hết tháng lễ Ramadan này cũng chính là thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên mà các bên đạt được, kể từ tháng 4/2020. 24 tháng qua, tình hình Yemen mỗi lúc một trở nên tồi tệ. Ngày đó, đất nước này được dự đoán là có khả năng trở thành thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Hiện tại, điều ấy đã trở thành hiện thực, với 80% dân số Yemen cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Năm 2015, một năm sau khi lực lượng Houthi chiếm giữ Thủ đô Sana’a và nhiều khu vực phía bắc Yemen, Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp quân sự vào quốc gia này. Xung đột nổ ra sau đó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cũng có những lệnh ngừng bắn đã thành hình, nhưng rồi lại nhanh chóng đổ vỡ.

Tuy nhiên, lần này, giới quan sát quốc tế đều đang hy vọng mọi chuyện sẽ khác. Cuối tháng trước, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã khẳng định: "GCC cam kết tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Yemen và đạt được an ninh, ổn định và hòa bình tại nước này. GCC cũng ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho người dân Yemen và đóng góp cho việc củng cố ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen".

Theo AP, GCC đã mời các bên tham chiến tại Yemen tới Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để thảo luận các biện pháp khôi phục hòa bình tại Yemen, trong khi lực lượng Houthi kêu gọi tổ chức đối thoại ở một nước trung lập. Nhưng rồi, Houthi bất ngờ đề xuất thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và trao đổi tù nhân.

Có lẽ, điều này cũng còn bắt nguồn từ những nỗ lực kết nối rất đáng chú ý của chính Đặc phái viên Liên hợp quốc Hans Grundberg, khi ông xúc tiến các cuộc gặp riêng rẽ với cả đại diện của lực lượng Houthi lẫn Thủ tướng Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn. Sau các cuộc thảo luận, các tàu chở nhiên liệu và một số chuyến bay sẽ được phép vào khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen.

Một cách ngắn gọn, điều đó vừa có nghĩa là sự hiện diện của các giải pháp cứu trợ nhân đạo, vừa có nghĩa là mở rộng tự do đi lại cho thường dân, cũng vừa có nghĩa là bước đầu tái sinh của các hoạt động kết nối thương mại.

KHÔNG phải ngẫu nhiên, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự hoan nghênh mạnh mẽ đối với thỏa thuận ngừng bắn tạm thời này. Đặc phái viên của Mỹ về Yemen-Tim Lenderking-cho rằng lệnh ngừng bắn này là "bước đi đầu tiên" để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, thúc đẩy một tiến trình chính trị, qua đó tạo ra diện mạo mới cho Yemen.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran, Iraq và Algeria cũng ra tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn, coi đây là bước ngoặt đầy triển vọng có thể mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông đã bị tàn phá trong nhiều năm qua.

Và hiển nhiên, nếu điều đó trở thành hiện thực, một lần nữa, xu hướng đối thoại thay cho đối đầu lại được nhấn mạnh như lựa chọn tất yếu. Một tiền lệ nữa, cho bất cứ cuộc xung đột nào.