Ðột phá, trong những hoài nghi

Ðã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tỏ ra đồng thuận, thế nhưng mới đây, như Cố vấn Kinh tế Nhà trắng Brian Deese hé lộ: Nước Mỹ vẫn đang nỗ lực để có thêm nhiều nước nữa tham gia vào thỏa thuận đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Một thỏa thuận ngập tràn hứa hẹn, nhưng cũng còn không ít yếu tố cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Không ngẫu nhiên, toàn bộ thành viên của nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên hiệp châu Âu (EU) hay những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Ðộ đều có tên trong danh sách 130 nền kinh tế thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) "hứng thú" với "đại kế hoạch" này.

Nói như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, "đây là một thỏa thuận lịch sử", có thể chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" đối với thuế doanh nghiệp ở rất nhiều nền kinh tế trên thế giới - điều khiến Mỹ và nhiều quốc gia phải chấp nhận tình trạng thất thu thuế.

Bên cạnh đề xuất chính - các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới, kế hoạch này còn trở nên "lóng lánh" hơn nữa với ý tưởng bổ sung: Cho phép các quốc gia mà doanh nghiệp không đặt trụ sở vẫn được đánh thuế trên một phần lợi nhuận của doanh nghiệp, áp dụng với 100 tập đoàn đa quốc gia có lợi nhuận lớn nhất thế giới, như Google, Facebook hay Apple…

Song, cũng không phải ngẫu nhiên, vẫn có những tín hiệu nghi ngờ và cả những động thái phản đối quyết liệt từ một số nước như Ireland, Luxembourg, Hungary hay Ba Lan. Ðiểm chung của họ: Ðều là những nền kinh tế thu hút các công ty đa quốc gia tới đầu tư phát triển, dựa trên điểm căn bản là thuế suất thấp cũng như các ưu đãi khác.

Ðối với những nền kinh tế này cũng như những nền kinh tế có hoàn cảnh tương đồng (thí dụ như chính Việt Nam, với các chính sách miễn thuế, giảm thuế, ưu đãi thuế và các hình thức hỗ trợ khác), đây thật sự là một phương trình khó cân bằng. Ðổi lấy những khoản ngân sách lớn trên lý thuyết khi thu được thêm thuế, hoàn toàn có thể là việc đánh mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trên thực tế. Ðó là chưa kể: Cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia chung thị trường cũng sẽ đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có đủ năng lực, cũng như các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế - một thách thức thật sự hóc búa, đòi hỏi lộ trình dài hạn.

Nhưng dĩ nhiên, các cuộc thảo luận và đàm phán vẫn sẽ còn tiếp tục, nhằm hoàn thiện thỏa thuận này vào năm 2023.

Tất cả đều vì lợi ích cốt lõi của mình, và khi dẫn đầu việc thúc đẩy thỏa thuận mang tính đột phá ấy, nước Mỹ cũng hướng đến mục tiêu lớn nhất là lợi ích của chính mình.

Nguy cơ thiếu hụt ngân sách đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được đặt ra ngay từ khi ông mới đắc cử, bởi cả giới quan sát quốc tế lẫn phe đối lập tại Ðồi Capitol - nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ. Liên tiếp những gói cứu trợ khổng lồ được thông qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và nền kinh tế tê liệt, như gói 1.900 tỷ USD hồi tháng 4. Nguồn thu để bù vào, hiển nhiên, trông cậy gần như hoàn toàn vào các loại thuế.

Ðiều đó khiến "chuyện làm ăn" của người dân Mỹ trở nên khó khăn gấp bội. Và đến lúc này, đã có những nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích thỏa thuận thuế đang được tiến hành là "sai lầm kinh tế".

Nhưng không chỉ vậy, vấn đề kinh tế cũng sẽ luôn kéo theo những hệ quả khác, đặc biệt là ở khía cạnh hình thành các liên minh địa chính trị. Ðiều này có thể cũng sẽ cuốn những quốc gia nhỏ vào vòng xoáy cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu…