Nỗi ám ảnh từ quá khứ

Chính phủ bị giải tán. Quốc hội bị đình chỉ hoạt động. Và những đường phố lại sục sôi làn sóng người biểu tình. Tròn mười năm sau, Tunisia - nơi khởi phát "Mùa xuân Arab" - lại đang đối diện những nguy cơ về một tiến trình hỗn loạn mới.

Tất cả những quyết định cứng rắn đó - giải tán Chính phủ và đình chỉ hoạt động của Quốc hội trong 30 ngày - đều được đương kim Tổng thống Tunisia Kais Saied ban hành.

Thủ tướng vừa mất chức là Hichem Mechichi - một nhân vật không đảng phái, vốn là Bộ trưởng Nội vụ, cũng chỉ vừa tiếp nhiệm được một ngày. Trước đó, cựu Thủ tướng Elyes Fakhfakh đã từ chức, do những cáo buộc về xung đột lợi ích với đảng cầm quyền Ennahdha. Ông Mechichi đã hy vọng sẽ có 30 ngày để thành lập một Chính phủ có khả năng giành được sự ủng hộ của đa số thành viên Quốc hội Tunisia, nhưng thời thế lại xoay chuyển với tốc độ chóng mặt.

Hiện tại, Tổng thống Tunisia Saied có thể hướng đến giải tán Quốc hội, và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử khác. Ông khẳng định: Những hành động cứng rắn mà ông thực hiện dựa trên Ðiều 80 của Hiến pháp Tunisia.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Tunisia, đồng thời là thủ lĩnh đảng Ennahdha cầm quyền - ông Rached Ghannouchi - lại xem quyết định của Tổng thống Saied là "một cuộc đảo chính phản cách mạng và hiến pháp". Ðáp trả việc quân đội đứng về phía đương kim Tổng thống để ngăn cản ông vào trụ sở Quốc hội (ngày 26/7), Chủ tịch Quốc hội Tunisia kêu gọi người dân xuống đường để chấm dứt cái ông gọi là "cuộc đảo chính".

Những cuộc biểu tình bùng nổ, nhưng vấn đề ở đây là đông đảo người biểu tình lại biểu thị sự ủng hộ đối với những gì Tổng thống Saied - người cũng đích thân hòa vào dòng người đó - thực hiện. Việc này gợi lại và tô đậm thêm những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất trên đất nước Bắc Phi ấy: Người dân thất vọng và phản đối cách mà Chính phủ thuộc đảng cầm quyền ứng phó đại dịch Covid-19, cũng như các hệ lụy của nó về kinh tế - xã hội.

Bất đồng hiện tại giữa Tổng thống Saied và Chính phủ Thủ tướng Mechichi được cho là có liên quan đến quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - điều cần thiết để Tunisia tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính, vào thời điểm quốc gia châu Phi đang phải tìm cách hạn chế thâm hụt ngân sách trong khi các khoản vay sắp đáo hạn. Những cải cách kinh tế mới nhằm bảo đảm khoản vay này có thể ảnh hưởng đến phần lớn người dân Tunisia, khi chấm dứt trợ giá hoặc cắt giảm việc làm ở khu vực công.

Như vậy, tại chính trường cũng như trên các đường phố Thủ đô Tunis hiện tại là trùng trùng xung đột: Xung đột giữa cựu Thủ tướng với đảng cầm quyền; giữa Thủ tướng vừa được bổ nhiệm đã mất chức với Phủ Tổng thống; giữa các chính sách với lợi ích mà người dân đòi hỏi; giữa những người ủng hộ Tổng thống và những người ủng hộ đảng cầm quyền ở Quốc hội.

Hơn thế, cuộc khủng hoảng chính trị này còn tô đậm thêm những bất cập trong cách phân chia quyền lực và trách nhiệm giữa Quốc hội, Thủ tướng và Tổng thống Tunisia - điều đã khiến quốc gia này chưa từng tìm lại được tình trạng ổn định đích thực và cần thiết suốt 10 năm qua.

Và nguy hiểm hơn, khi cả thế giới vẫn còn đang lao đao bởi những đợt tấn công mới từ chủng Delta của SARS-CoV-2, sự bất ổn này và những cuộc xuống đường này cũng có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, bao gồm cả sự suy thoái về tiềm lực kinh tế cũng như tâm trạng xã hội.

Không có gì bất ngờ, khi cộng đồng quốc tế tỏ ra vô cùng lo ngại trước các diễn biến nóng bỏng ấy. Trong hai ngày 26 và 27/7, từ Liên minh châu Âu (EU) đến Liên minh châu Phi (AU), từ một quốc gia láng giềng như Algeria đến nước Mỹ bên kia Ðại Tây Dương, tất cả đều gấp rút hối thúc Tunisia mở rộng đối thoại nhằm vãn hồi an ninh, khôi phục ổn định. Ðồng thời, những hứa hẹn hỗ trợ kinh tế cũng như phòng, chống dịch bệnh cũng được đề cập.

Không ai muốn thấy thêm một "mùa xuân Arab" nữa dấy lên từ mảnh đất này, trong một diện mạo khác…

VÕ HOÀNG