Một con đập, ba quốc gia

Và đâu chỉ vậy. Khi người đại diện của cả nước Mỹ lẫn Liên hiệp châu Âu (EU) cùng nhấn mạnh rằng nhất thiết phải có được một giải pháp ngoại giao, và cùng bày tỏ sự sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho những tranh chấp chung quanh đập thủy điện Đại Phục Hưng mà Ê-ti-ô-pi-a (Ethiopia) xây dựng (ngày 29-3), đó đã không chỉ còn là câu chuyện của riêng ai.

Đã tròn 10 năm đập thủy điện Đại Phục Hưng được khởi công, và tháng 2-2021, căng thẳng giữa Ê-ti-ô-pi-a với hai nước láng giềng Ai Cập và Xu-đăng (Sudan) lại bùng lên, khi quốc gia chủ quản tuyên bố tiến hành giai đoạn tích nước thứ hai cho đập.
 
 Tháng 7-2020, giai đoạn tích nước đầu tiên đã hoàn thành, với tổng dung tích nước là khoảng 4,9 tỷ m3. Trong giai đoạn kế tiếp này, con số dự tính sẽ lên tới 13,5 tỷ m3 vào tháng 6-2021 tới.
 
 Đó thật sự là một con số khổng lồ, đặc biệt là khi đặt vào bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến những nguồn cung nước sạch ngày càng trở nên hạn hẹp, nhất là với các quốc gia nằm gần đường Xích đạo.
 
 Không có gì bất ngờ, khi Ai Cập và Xu-đăng phản ứng khá quyết liệt. Ai Cập, với lãnh thổ nằm ở hạ nguồn và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng nước sông Nin (Nile) – nguồn cung khoảng 97% lượng nước tưới tiêu và sinh hoạt, có đầy đủ lý do để lo ngại rằng mức trữ nước của đập Đại Phục Hưng sẽ khiến các vận động xã hội Ai Cập trở nên rối loạn.
 
 Trong khi đó, Xu-đăng có một cách tiếp cận vấn đề khác. Họ lo ngại rằng những con đập thủy điện của chính mình sẽ không còn nước để hoạt động và sẽ bị tổn hại, nếu giữa hai quốc gia không đạt được một thỏa thuận chung.
 
 Từ tháng 6-2020, đã có những mối lo lắng trong giới quan sát quốc tế, rằng căng thẳng ngoại giao giữa những người láng giềng Bắc Phi có khả năng bùng phát thành xung đột quân sự, nếu không có những giải pháp thỏa đáng khả dĩ có thể làm hài lòng mọi phía. Và hiện tại, với con số 13,5 tỷ m3, viễn cảnh về một “cuộc chiến tranh nước sạch” kỳ lạ vẫn là điều phải tính tới.
 
 Có thể hiểu quyết tâm chính trị của Ê-ti-ô-pi-a. Với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, nhà máy thủy điện đập Đại Phục Hưng vừa là nền tảng để điện khí hóa đất nước, vừa là cơ hội đưa Ê-ti-ô-pi-a đến vị trí nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Phi.
 
 Vấn đề là, sau những chặng đàm phán bế tắc, họ đã và đang chấp nhận trả cho cơ hội phát triển ấy cái giá là mối quan hệ tốt đẹp với hai “người hàng xóm” (mà một trong số đó - Ai Cập - có tiềm lực quân sự vượt trội), và phớt lờ một xu hướng của “thế giới phẳng” toàn cầu hóa hiện đại: Mỗi quốc gia trong cộng đồng đều cần ứng xử có trách nhiệm và phù hợp với lợi ích chung, khi mọi vấn đề đều có thể sẽ tạo nên các phản ứng dây chuyền, bởi tác động đến tình trạng ổn định hoặc cân bằng lợi ích chung.
 
 Đấy có lẽ cũng chính là lý do để Mỹ và EU cố gắng thiết lập các hành lang đối thoại, nhằm tạo nên những điểm thỏa hiệp cần thiết cho “ba nước sông Nin”.
 
 Từ thượng cổ, sông Nin đã là “dòng sông mẹ” linh thiêng của toàn bộ khu vực Bắc Phi. Tuy nhiên, dưới những tác động của tiến trình biến đổi khí hậu, “nguồn sữa” ấy cũng đã dần trở nên cạn kiệt, mà vẫn phải “nuôi nấng” khoảng 100 triệu sinh mạng trên toàn khu vực châu thổ của mình.
 
 Hãy thử tưởng tượng, chỉ một đợt hạn hán khắc nghiệt thôi, 13,5 tỷ m3 nước của đập Đại Phục Hưng sẽ có thể cứu vớt hoặc tàn phá cuộc sống của bao nhiêu triệu con người? Mà trong khi đó, để lấp đầy dung tích hồ chứa rộng 1.800 km2 ấy, Ê-ti-ô-pi-a sẽ phải cần đến 74 tỷ m3.
 
 Một nỗi lo ngại khác, cũng không phải là không có cơ sở: Sau câu chuyện đập Đại Phục Hưng, còn bao nhiêu điểm tích tụ những mâu thuẫn về cách chia sẻ lợi ích chung như thế, trên những dòng sông lớn nhất của hành tinh?