Mở cửa cho mùa xuân

Ngay ngày 10/1/2022 tới, sẽ diễn ra một cuộc đàm phán về an ninh-quốc phòng giữa đại diện hai nước Nga và Mỹ. Một sự khởi đầu rất đáng chú ý cho dòng chảy sự kiện quốc tế của năm mới, khi nó củng cố niềm tin về xu hướng tất yếu của thời đại: đối thoại, chứ không phải đối đầu, đặc biệt là giữa hai cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới.

Trong thông báo chính thức ngày 27/12/2021, Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà trắng cho biết: Cuộc gặp này là một phần trong sáng kiến Đối thoại An ninh chiến lược đã được Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí, tại cuộc gặp cấp cao diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6 vừa qua.

Tại cuộc gặp tới đây, dự kiến, phái đoàn hai bên sẽ thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân-từng bị để ngỏ suốt từ những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau đó, ngày 12/1/2022, đại diện Nga và đại diện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ nhóm họp, trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga. Một ngày sau đó nữa, Nga cùng Hội đồng thường trực của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó có Mỹ, cũng sẽ tiến hành đàm phán.

Một cách ngắn gọn, những cánh cửa dành cho đối thoại sẽ liên tục rộng mở-cơ hội nhằm thắp lên hy vọng đưa mối quan hệ Nga-phương Tây rời khỏi tình trạng "thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh", như thời gian qua.

S không ai trông chờ rằng mọi khúc mắc giữa hai phía có thể được xử lý triệt để, chỉ trong vòng bốn ngày ngắn ngủi đó. Tuy vậy, việc những trung tâm quyền lực quân sự lớn nhất thế giới trao đổi thẳng thắn với nhau về các vấn đề còn tồn tại chắc chắn sẽ khiến mối nguy cơ bùng nổ xung đột-hay nói trắng ra là viễn cảnh kinh hoàng "Chiến tranh Thế giới lần thứ ba"-bị đẩy lùi.

Cho đến hiện tại, giữa nước Mỹ và nước Nga chỉ còn duy nhất Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) tồn tại, trong vai trò cơ chế kiểm soát chung. Nó cần được bổ sung bởi nhiều chiếc "khóa an toàn", như Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm ngắn và trung (INF) bị khai tử năm 2019, hay Hiệp ước Bầu trời mở mà nối tiếp Mỹ, nước Nga vừa chính thức hoàn tất quá trình rời bỏ vào tuần trước.

Trong khi đó, những xung đột lợi ích và những cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị quốc tế mỗi lúc một trở nên gay gắt, và bất cứ một diễn biến căng thẳng nào ở những khu vực trọng điểm cũng khiến cả thế giới phấp phỏng. Thí dụ, như ở miền đông Ukraine.

Điều rất đáng lưu tâm nữa: Cũng trong ngày 27/12, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nhận định: Những động thái quân sự gần đây cho thấy NATO đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang lớn, đặc biệt là ở khu vực Bắc Cực gần biên giới Nga.

Tuy nhiên, dù thế nào, đặt diễn biến này cạnh việc lịch trình các cuộc hội đàm cấp cao Nga-phương Tây vẫn sẽ diễn ra như dự kiến, và cả động thái ủng hộ những cuộc đối thoại trực tiếp ấy từ cả hai phía-đơn cử như giới chức Đức-vẫn là một tín hiệu tích cực.

Đề xuất từ Moscow-hai bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và NATO, theo đó Nga muốn loại trừ mọi kế hoạch mở rộng hoạt động của NATO về phía đông châu Âu, được công bố ngày 17/12/2021-dù sao cũng là một bàn tay chìa ra, về phía hòa bình và ổn định.

Đến lúc này, phản ứng của Mỹ vẫn bị đánh giá là "tương đối khó hiểu", còn Tổng Thư ký NATO Stoltenberg mới đây nhấn mạnh rằng NATO "sẽ không thỏa hiệp". Tuy vậy, một thế giới đã và đang bị hành hạ bởi các mối nguy chung như bệnh dịch hay biến đổi khí hậu, bao gồm cả Nga lẫn phương Tây, rõ ràng không cần thêm cuộc đối đầu quân sự nào.