Lò lửa chực chờ

Không cần đợi đến thời điểm quân đội Mỹ cũng như các lực lượng quốc tế chính thức hoàn tất tiến trình triệt thoái, mỗi ngày trôi qua, tình hình Afghanistan lại đạt đến một mức độ căng thẳng mới. 
 

Ngày 13/7, nước Pháp yêu cầu toàn bộ công dân của mình rời khỏi Afghanistan. Ðại sứ quán Pháp tại Afghanistan kêu gọi: "Chính phủ Pháp sẽ bố trí một chuyến bay đặc biệt vào sáng 17/7, khởi hành từ Kabul, để đưa toàn bộ công dân Pháp đang có mặt tại Afghanistan trở về nước. Ðại sứ quán Pháp chính thức khuyến nghị tất cả các công dân Pháp tận dụng chuyến bay đặc biệt này, hoặc rời khỏi Afghanistan ngay lập tức bằng các phương tiện riêng của mình".

Trước Pháp, lần lượt đã có nhiều quốc gia - mà mới nhất là Ấn Ðộ và Trung Quốc - tiến hành sơ tán, hoặc yêu cầu công dân của mình rời khỏi Afghanistan. Kể từ đầu tháng 5/2021, khi các lực lượng binh sĩ nước ngoài đẩy nhanh tiến trình rút quân, giao tranh đã liên tục nổ ra giữa quân đội Chính phủ Kabul với lực lượng Taliban, trên phạm vi toàn quốc.

Cũng trong ngày 13/7, vào giờ cao điểm, Thủ đô Kabul lại rung chuyển bởi một vụ nổ. Ít nhất có bốn người thiệt mạng, và năm người bị thương.

Thật ra, bối cảnh này là điều đã được giới quan sát quốc tế tiên liệu ngay từ năm ngoái - 2020, khi những cuộc thương thuyết đầu tiên giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Taliban được xúc tiến. Việc quân đội Mỹ rời đi đặt ra một câu hỏi: Liệu các lực lượng vũ trang của Chính phủ Kabul có đủ sức "tự lập"?

Cho đến hiện tại, tình hình thực địa chiến trường đang tô đậm thêm những hoài nghi và lo ngại đó. Chỉ trong hai tháng kể từ đầu tháng 5/2021, tức là sau khi Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công, lực lượng này đã kiểm soát thêm được 157 trên tổng số 407 quận của Afghanistan. Ðại diện Taliban tổ chức họp báo ở Thủ đô Moscow của LB Nga, để tuyên bố rằng họ đã kiểm soát tới 85% lãnh thổ.

Ngay sau đó, lực lượng biên phòng các nước láng giềng như Tajikistan, Turkmenistan hay Iran đều ghi nhận tình trạng quân nhân Afghanistan bỏ ngũ và xin được chạy qua biên giới. Hầu hết các quốc gia này đều đã phải tăng cường phòng thủ quân sự dọc biên giới, thậm chí đóng một số cửa khẩu biên giới với Afghanistan. Bởi vì, Taliban cũng đã tổ chức tấn công cả những cửa khẩu hải quan đó, thí dụ như Islam Qala - cửa khẩu lớn nhất trên biên giới Afghanistan - Iran.

Trong những đợt phản kích mới nhất, quân đội Kabul giải phóng được một số khu vực ở phía bắc lãnh thổ, tiêu diệt được không ít các tay súng Taliban. Tuy vậy, việc chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ngay cả khi các cuộc hòa đàm vẫn đang tiến hành báo hiệu rằng tình hình sẽ còn có thể biến chuyển dữ dội và đẫm máu.

Nước Mỹ đã và đang làm mọi cách để khép lại "cuộc chiến dài nhất lịch sử" của mình trong thời gian sớm nhất. Còn "sốt sắng" hơn cả người tiền nhiệm, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố rằng tiến trình rút quân sẽ hoàn tất trước ngày 31/8, nghĩa là sớm hơn 10 ngày so hạn định 11/9 được đưa ra trước đây. Song, trên thực tế, theo Lầu năm góc, tiến trình này đã triển khai xong tới hơn 90% khối lượng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Boris Johnson của Anh cũng tuyên bố tất cả mọi binh sĩ Anh tại Afghanistan đã "trở về nhà".

Ở Afghanistan, đang lộ ra một khoảng trống quyền lực rất lớn, và nó không thể không gợi đến cách chính quyền Baghdad đã đánh mất những phần lãnh thổ lớn một cách nhanh chóng đến thế nào vào tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), khi quân đội Mỹ rời khỏi Iraq.

Và bởi vậy, ngoài nguy cơ lửa xung đột cháy lan đến nhà "những người hàng xóm" trong khu vực, cũng lại đã hiện hữu một hiểm họa ghê gớm: Tất cả đều biết rằng IS giỏi việc tận dụng hiềm khích và thù hận để trỗi dậy ra sao, cũng như tất cả đều biết rằng còn không ít nhóm IS cũng như các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác đang xây dựng "căn cứ địa" ở những vùng biên hoang vu của Afghanistan… ■