Lấy cứng chọi cứng

Không có gì bất ngờ. Ngay từ bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, tân Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi - đã kịp khắc sâu thêm nỗi lo ngại cho chặng đàm phán cuối cùng của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), bằng sự cứng rắn không che giấu của mình. Cho dù, ông cũng sẽ còn phải đối diện không ít thách thức khác, trong nhiệm kỳ trước mắt.

Tổng thống đắc cử thẳng thắn khẳng định: “Chính sách đối ngoại của chúng tôi sẽ không bị giới hạn bởi JCPOA. Chúng tôi sẽ không ràng buộc lợi ích của người dân Iran với thỏa thuận hạt nhân này”.

Ông, từng là Bộ trưởng Tư pháp Iran, một người theo đường lối cứng rắn, đòi hỏi: “Tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran phải được dỡ bỏ, và phải được Tehran xác nhận”. Ông cáo buộc Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ðức), cho rằng cả Liên hiệp châu Âu (EU) cũng không thực thi đầy đủ các cam kết. Và ông nhấn mạnh rằng cho đến tận lúc này, Tehran vẫn chưa có kế hoạch đàm phán trực tiếp với Washington.

Cho dù, ai cũng hiểu rằng JCPOA chỉ thật sự hồi sinh, nếu nước Mỹ chính thức trở lại, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa họ rời khỏi thỏa thuận này từ năm 2018.

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng cố gắng hết sức cũng như bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thương thảo xoay quanh JCPOA có thể đạt được những kết quả khả quan, trước khi cuộc bầu cử tổng thống này diễn ra. Cũng không ngẫu nhiên, khi kết quả bầu cử được công bố, Ðại giáo chủ Iran Ali Khamenei - vị lãnh tụ tinh thần tối cao của nước cộng hòa Hồi giáo ấy - xem kết quả đó là “một chiến thắng của nhân dân Iran”.

Sự chia rẽ về mặt quan điểm nội bộ Iran từng gây ra không ít khó khăn cho các cuộc đàm phán JCPOA. Tìm kiếm và đạt được điểm thỏa hiệp thông qua những nhân nhượng luôn là vấn đề cốt lõi của mọi cuộc đàm phán, ngành ngoại giao Iran và Tổng thống Hassan Rouhani hiểu điều đó. Song, họ cũng phải đối diện sức ép từ phía phe “cứng rắn” được Ðại giáo chủ Ali Khamenei ủng hộ, cùng tâm lý thù địch với nước Mỹ ở mức cao.

Chính vì thế, với việc một đại biểu của phe “cứng rắn” trở thành Tổng thống Iran kể từ tháng 8 tới, có thể dự đoán là Tehran sẽ còn từ chối nhượng bộ quyết liệt hơn nhiều so hiện tại.

Vấn đề là, cho đến tận lúc này, những vướng mắc then chốt quanh JCPOA vẫn chưa được tháo gỡ. Hơn thế, hiện tại, hồi sinh JCPOA có thể xem là cách duy nhất để vực dậy nền kinh tế Iran, vốn đã bị tổn thương nặng nề dưới những lệnh trừng phạt hay cấm vận liên tiếp.

Kinh tế Iran đã ghi nhận các mức giảm 6,8% trong năm 2018 - 2019 và 6% năm 2020. Lạm phát tăng vọt và luôn đứng ở mức hơn 45%, trong khi đồng nội tệ rial suy yếu mạnh so đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô và xuất khẩu dầu thô của Iran cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, đại dịch toàn cầu Covid-19 còn làm mọi chuyện thêm tồi tệ.

Khi tiếp nhiệm, chính tân Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ là người phải trực tiếp đối diện và xử lý những vấn đề đó. Tuy nhiên, vào lúc này, ông vẫn không bộc lộ tín hiệu nào thể hiện sự mềm mỏng trong đường lối đối ngoại sắp tới.

Vì vậy, có một điều đáng chú ý: Dù ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington vẫn sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về việc khôi phục JCPOA, thì đến ngày 21/6, sau phát biểu của tân Tổng thống Iran, câu trả lời được đưa ra từ người phát ngôn Nhà trắng là:   “Chúng tôi hiện không có quan hệ ngoại giao với Iran, hay lên bất cứ kế hoạch nào về một cuộc gặp ở cấp lãnh đạo”. Có nghĩa là, trước mắt, Mỹ vẫn sẽ chỉ tham gia thảo luận về JCPOA một cách gián tiếp, như bây giờ.