Lằn ranh màu hy vọng

Bắt đầu diễn ra vào 7 giờ 45 phút sáng 16/11 (giờ Việt Nam), hội nghị cấp cao trực tuyến Mỹ - Trung không được kỳ vọng quá nhiều về những kết quả mang tính đột phá. Tuy vậy, ít nhất, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cũng đã có cơ hội đối thoại trực tiếp và thẳng thắn, nhằm khoanh vùng và giới hạn các nguy cơ xung đột trên nhiều lĩnh vực - điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ khi Tổng thống Joe Biden đắc cử và tiếp nhiệm hồi đầu năm nay.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương Mỹ - Trung đã rơi xuống mức rất thấp, sau những khoảng thời gian dài cạnh tranh gay gắt, sau những cuộc "chiến tranh thương mại" dữ dội, nhất là trong bốn năm nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Có quá nhiều khoảng cách, và cũng còn rất nhiều khúc mắc tồn tại giữa hai phía, nhất là khi Washington hiện vẫn xem Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng về vị thế. Cũng đúng ngày 16/11, theo Bloomberg, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia sở hữu khối tài sản ròng lớn nhất hành tinh. Tăng trưởng chóng mặt trong 20 năm qua, từ 7.000 tỷ USD vào năm 2000, "tài sản" của cường quốc phương Đông đã lên tới 120.000 tỷ USD khi năm tài khóa 2021 kết thúc.

Và đó, không gì khác, là dấu hiệu cảnh báo dành cho trật tự thế giới đơn cực cũ mà nước Mỹ vẫn muốn duy trì.

Như cách nhìn của tờ Politico, cuộc gặp này thực chất khó có thể xem là một hội nghị cấp cao đúng nghĩa, bởi chẳng thể kỳ vọng được gì nhiều về chuyện thật sự giải quyết ngay được các "điểm nghẽn". Vấn đề là, bên cạnh những "câu chuyện riêng" của hai cường quốc, vẫn có các khía cạnh liên quan mật thiết đến từng vận động của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Thí dụ: cuộc chiến chống biến đổi khí hậu quyết định sự tồn vong của loài người. Hoặc thí dụ, sự "trơn tru" của guồng máy kinh tế toàn cầu - vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của hai cường quốc dẫn đầu.

Nhưng cũng chính là bởi vậy, mặc kệ tất cả những hoài nghi từ giới chuyên môn, gần bốn giờ đồng hồ diễn ra hội nghị trực tuyến cấp cao Mỹ - Trung này vẫn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Thực tế, thế giới hiện đại - "phẳng" và dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết - có sự quan tâm đặc biệt, về việc liệu có cơ chế nào giảm những chấn động từ "sự va chạm của những người khổng lồ"?

Câu trả lời dường như đã được kín đáo đưa ra, ngay trước thềm cuộc gặp gỡ, khi Washington và Bắc Kinh ra được một tuyên bố chung về nỗ lực ứng phó tiến trình biến đổi khí hậu. Nói cách khác, bên cạnh việc ưu tiên "lật ngửa các quân bài", các nhà lãnh đạo hai nước cũng đã để ngỏ những cánh cửa cho khả năng hợp tác.

Tại cuộc hội đàm, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều kêu gọi phát triển quan hệ Mỹ - Trung "lành mạnh và ổn định". Quan trọng hơn, ông chủ Nhà trắng khẳng định: "Trách nhiệm của chúng ta - với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ - là bảo đảm được rằng sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ không dẫn tới xung đột, cho dù là trong dự định hay ngoài ý muốn".

Không chỉ vậy, theo ông, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới "cần thiết lập một số nhận thức chung", trong đó "đề cập rõ ràng và trung thực về những điểm bất đồng và hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cùng có lợi, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu".

Một cách ngắn gọn, hội nghị xoay quanh "những cách thức quản lý một cách có trách nhiệm cuộc cạnh tranh Mỹ- Trung, cũng như khả năng hợp tác trong những vấn đề hai bên chia sẻ lợi ích". Nó "không nhằm tìm kiếm những kết quả, mà nhằm thiết lập những giới hạn của một cuộc cạnh tranh hiệu quả".

Ít nhất, trong bối cảnh hiện tại, kết quả ấy và lằn ranh ấy cũng đã đủ gợi nên một cảm giác an toàn.