Khởi đầu mới cho câu chuyện cũ

“Trong tương lai, không ai có thể can thiệp vào bất cứ hệ thống phòng thủ nào mà chúng tôi muốn mua, từ bất cứ quốc gia hay cấp độ nào. Không ai có thể can thiệp. Chúng tôi là chủ thể duy nhất có thể đưa ra quyết định”. Một lần nữa, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayipp Erdogan - tái khẳng định lập trường cứng rắn lại đưa mối quan hệ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ vào tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế.

Đó là những gì được phát biểu ngày 26/9, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xác nhận với hãng tin CBS rằng ông không có kế hoạch hủy đơn hàng thứ hai đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. 

Đến ngày 28/9, trên kênh truyền hình Habeturk, nhà lãnh đạo quốc gia ấy làm rõ thêm: Hiện trạng mối quan hệ giữa hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ là “không thuận lợi”, cũng như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có “bước khởi đầu chưa hợp lý”. 

Nhưng dù sao, ông cũng hé lộ kế hoạch gặp người đồng cấp quyền lực ấy, bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Rome, Italy. 

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đáp trả thẳng thừng: “Bất kỳ tổ chức lớn nào bắt tay với quân đội hoặc cơ quan tình báo Nga đều sẽ bị áp lệnh trừng phạt. Bất kỳ giao dịch mua mới nào từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt mới”. Những lệnh trừng phạt “cũ” thì đã được áp dụng từ tháng 12/2020, khi Ankara nhận lô hàng S-400 đầu tiên.

Đây là những phản ứng không bất ngờ. Nó hoàn toàn tương đồng với cách phản ứng đã được Washington duy trì suốt vài năm qua, kể từ khi Ankara công khai ý định trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga. Cho dù Nhà trắng đã đổi chủ, và cho dù chủ nhân mới có nhiều quan điểm trái ngược với người tiền nhiệm Donald Trump, thì vấn đề này vẫn rất nhất quán và xuyên suốt. 

Bởi, nó tác động trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của nước Mỹ nói riêng, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - mà Mỹ là quốc gia lãnh đạo, còn Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên có tiềm lực quân sự hùng hậu bậc nhất - nói chung. Washington đã luôn luôn khẳng định:  Hệ thống S-400 sẽ tạo ra nguy cơ đe dọa đối với máy bay chiến đấu phản lực F-35 cũng như các hệ thống phòng thủ nói chung của NATO. 

Nhưng, hơn thế, việc Ankara thiết lập những mối dây liên hệ ngày càng chặt với Moscow mới thật sự là một “cái gai trong mắt” nước Mỹ. 

Vấn đề là, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hiểu rất rõ điều đó, nhưng cũng vô cùng kiên định trong việc thực hiện chiến lược ngoại giao theo kiểu “đứng trên vai những người khổng lồ” đó. Bằng việc thể hiện một đường lối tự chủ đến mức thách thức, ông đã và đang đưa quốc gia của mình khuếch trương và tận dụng được tối đa các lợi thế, khi đứng giữa những trung tâm quyền lực: Mỹ, Nga, và Liên hiệp châu Âu (EU). 

Về mặt quân sự, lý do được Ankara đưa ra từ đầu và bảo lưu đến hiện tại là chuyện không có bất cứ hệ thống phòng thủ nào từ các đồng minh NATO đáp ứng được yêu cầu của họ.  

Và về mặt địa chính trị, rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất cứ thành viên NATO nào khác cũng đều sẽ không mặn mà gì với việc trở thành một kiểu “tiền đồn”, trong thời đại mà xu thế tất yếu là đối thoại và hợp tác. Việc xây dựng một mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với nước Nga - người láng giềng khổng lồ ở ngay cạnh - dĩ nhiên sẽ mở ra rất nhiều triển vọng cho tương lai.

Nhưng dù sao, Tổng thống Erdogan cũng vẫn “mong muốn có được một mối quan hệ thân thiện chứ không phải thù địch” với Washington. Điều ấy, cũng có thể được hiểu rằng ông chờ đợi những thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề từ phía nước Mỹ…