Khởi đầu là đối thoại

Vẫn song song hiện hữu không ít động thái căng thẳng giữa hai phía. Song, việc Nga và Mỹ bắt đầu tiến trình tham vấn chiến lược song phương về kiểm soát vũ khí trong tương lai, nhằm làm hòa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, rõ ràng là một tín hiệu tích cực đối với toàn nhân loại.

“Hôm nay, chúng tôi đã tiến hành phiên thảo luận tiếp theo của Ủy ban tham vấn song phương với Nga tại Geneva. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, nhằm bảo đảm New START được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch” – Robert Wood, đại diện thường trực của Mỹ về các vấn đề giải trừ quân bị, viết trên trang Twitter cá nhân của mình, ngày 5/10.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước Mỹ đang sở hữu - điều xoay ngược hoàn toàn quyết định giữ bí mật về vấn đề này thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, tính đến ngày 30/9/2020, quân đội Mỹ duy trì 3.750 đầu đạn hạt nhân cả kích hoạt lẫn chưa kích hoạt, giảm 55 đầu đạn so với năm 2019, và giảm 72 đầu đạn so với năm 2017.

Có thể hiểu đây là một động thái công khai nhằm thể hiện thiện chí, riêng ở lĩnh vực này. Bất kể, mối quan hệ Nga - Mỹ nói chung vẫn ở mức rất thấp, đến mức độ Hải quân Mỹ mới thành lập một lực lượng tác chiến - Greyhound - có nhiệm vụ chuyên săn tìm tàu ngầm Nga, trong khi các thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị trục xuất 300 nhân viên ngoại giao Nga tại Washington, nếu Moscow không cấp thêm thị thực cho các nhân viên Đại sứ quán Mỹ.

Trở lại với câu chuyện chính, cuộc tham vấn chiến lược song phương tại Geneva giữa Nga - Mỹ đã khép lại với một tuyên bố chung, điều thật sự giá trị. Theo tuyên bố chung ấy, phái đoàn hai nước đã nhất trí thành lập hai nhóm công tác, trong đó một nhóm có nhiệm vụ chuyên trách là xem xét các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai. Nghĩa là, hướng đến việc thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới - New START - mới được gia hạn bằng những biện pháp căn bản và thực chất.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, hai bên đã thảo luận về toàn bộ các vấn đề liên quan ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, và bất chấp những khác biệt hiện có cũng như tiềm ẩn, Nga vẫn mong muốn và thiện chí thúc đẩy tiến trình này.

New START, như tất cả chúng ta đều biết, là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ - hai quốc gia vốn nắm giữ hơn 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.

Nói cách khác, New START là chiếc then cửa duy nhất hiện hữu, đề phòng ngừa nguy cơ loài người tự hủy diệt bằng chiến tranh hạt nhân.

Bởi vậy, việc hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới vẫn có thể “ngồi lại với nhau” để thảo luận, vượt trên những bất đồng nhiều mặt, cho thấy những cách tiếp cận vấn đề và hành xử với ý thức trách nhiệm. Tính chất răn đe của quy mô các kho đầu đạn hạt nhân, như vậy, vẫn luôn được đặt cân bằng trong tương quan so sánh với hòa bình, ổn định và lợi ích chung toàn cầu.

Không có gì ngạc nhiên khi cuối tháng trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhiệt liệt hoan nghênh những bước đi liên quan đến New START của Nga và Mỹ. “Tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập niên, nhưng vẫn có các quốc gia đang cải thiện kho vũ khí của mình. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu của hy vọng. Quyết định của Nga và Mỹ về việc gia hạn New START và tiến hành đối thoại chiến lược là những bước đi rất đáng được hoan nghênh”.

Ít nhất, tiến trình này cũng đã và đang làm dịu đi rất nhiều nỗi bất an - những nỗi bất an len lỏi và ngự trị, kể từ thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…

Võ Hoàng