Khi lòng tin rạn vỡ

Ngày 21/9, Tổng Thư ký Antonio Guterres phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc: “Tôi sợ rằng thế giới của chúng ta đang hướng tới hai nhóm kinh tế khác nhau, các quy tắc thương mại, tài chính và công nghệ, hai cách tiếp cận khác nhau trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, và cuối cùng là hai chiến lược quân sự và địa chính trị khác nhau”. Tuy nhiên, chỉ với các diễn biến tiếp nối của “sự vụ tàu ngầm” giữa ba bên Mỹ - Pháp - Australia, thực trạng thế giới đương đại có lẽ đã đủ “phức tạp” và “khó dự đoán” hơn hẳn những đánh giá khái lược ấy.

Cho đến ngày 20/9, bất chấp những động thái “xoa dịu” từ phía Australia, nước Pháp vẫn chưa cho thấy các biểu hiện “nguôi giận”. Thậm chí, theo TTXVN, Paris còn đang yêu cầu các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU - Australia, ngay trước thềm chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA này của Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan. Và thậm chí, việc Paris rút khỏi thỏa thuận kinh tế ấy cũng đã trở thành một lựa chọn được để ngỏ, sau chuyện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu hồi đại sứ Pháp ở cả Mỹ - lần đầu trong lịch sử bang giao 243 năm - lẫn Australia về nước.

Nói như Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian, chuyện Australia đơn phương hủy bỏ hợp đồng trị giá 40 tỷ USD đã ký kết với Tập đoàn Hải quân Pháp, nhằm đóng một hạm đội tàu ngầm thông thường, để chuyển sang theo đuổi công nghệ tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ và Anh chia sẻ - thông qua việc thành lập liên minh quốc phòng AUKUS ngày 15/9 - là một “nhát dao đâm vào lưng” nước Pháp.

Và ông không ngần ngại nói thẳng: “Lòng tin cậy của chúng tôi (dành cho Australia) đã bị phản bội. Đây không phải là việc các đồng minh nên làm với nhau!”.

Đó là một hợp đồng kinh tế khổng lồ, và nó thật sự rất quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào, trong bối cảnh cả guồng máy kinh tế thế giới còn đang lao đao bởi những hệ lụy tiêu cực của đại dịch Covid-19 toàn cầu như hiện tại. Song, có lẽ để nhìn rõ hơn những căn nguyên mà nước Pháp thể hiện, “sự vụ tàu ngầm” này không nên bị tách rời khỏi bối cảnh cụ thể - nghĩa là sự ra đời của thỏa thuận AUKUS, giữa Mỹ, Anh và Australia.

AUKUS thực chất là một công cụ địa chính trị phục vụ tiến trình “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” mà Washington đang tái khởi động, dựa trên yếu tố cơ bản là việc giúp đỡ các đồng minh trong khu vực, như Australia, nâng cao năng lực quốc phòng trên biển. Hay nói như đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Chúng tôi đầu tư vào điều đáng giá nhất: Tình thân hữu với các đồng minh”.

Vấn đề là, trong vận động này, nước Pháp nói riêng cũng như EU nói chung dường như lại đang bị “đẩy ra rìa”. Washington đã chọn nước Anh vừa rời khỏi EU - cũng là thủ lĩnh Khối thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations) mà Australia là thành viên - làm người bạn đồng hành, khi siết chặt thêm mối quan hệ với Canberra.

Ta hãy chú ý đến cả những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly, sau sự ra đời của AUKUS: “Về mặt địa chính trị, điều này thật sự nghiêm trọng”, và “Chúng tôi sẽ mở to mắt xem nước Mỹ đối xử với các đồng minh của mình ra sao”.

Dù muốn dù không, dù Washington đã lập tức tái khẳng định rằng “Nước Pháp là đồng minh lâu đời nhất của nước Mỹ”, những vết rạn và những sự chia rẽ vẫn cứ được khắc sâu thêm, ngay trong nội bộ thế giới phương Tây.

Ngay cả cách Thủ tướng Australia Scott Morrison cố gắng giải thích quyết định của Canberra cũng chỉ khẳng định rõ thêm một điều: Mọi quốc gia đều đặt lợi ích của mình lên trên tất cả. Và bởi vậy, sẽ rất khó để đạt được những điểm đồng thuận tuyệt đối.

Cơn giận dữ của một cường quốc thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do đó, hoàn toàn có thể tác động xấu đến những kết cấu khác, như sự gắn bó trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Và dĩ nhiên, là cả các vấn đề liên quan đến kinh tế, ngoại giao, chính trị… toàn cầu.