Giúp đỡ không có nghĩa là công nhận

"Nếu chúng ta không hành động và giúp người dân Afghanistan vượt qua cơn bão này, không chỉ họ mà cả thế giới sẽ phải trả giá đắt!" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, ngay trước thềm Hội nghị trực tuyến khẩn cấp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về vấn đề Afghanistan, ngày 12/10. Và tất cả đều đồng ý với ông.

Một cách cụ thể, Tổng Thư ký Guterres nhận định: "Nếu không có lương thực, không có việc làm, các quyền con người cơ bản không được bảo đảm, chúng ta sẽ thấy thêm người Afghanistan rời bỏ quê hương đi tìm cơ hội cho bản thân. Từ đó, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, mạng lưới tội phạm và khủng bố cũng có thể sẽ gia tăng".

Ngân khố quốc gia Afghanistan hầu như đã cạn kiệt. Ðến mức độ mà Thủ đô Kabul cũng đang lâm vào nguy cơ thiếu điện sinh hoạt, bởi những quốc gia láng giềng đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp năng lượng, khi họ thấy rằng Afghanistan không có khả năng thanh toán các hóa đơn. Nhiều dịch vụ thiết yếu, kể cả hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân, bị đình trệ. Viện trợ bị cắt, kinh tế tê liệt, thất nghiệp tràn lan và giá lương thực tăng cao, dẫn đến nguy cơ hàng triệu người dân có thể bị đói.

Nói cách khác, đất nước Nam Á ấy đang phải đối diện với nỗi ám ảnh từ các cuộc khủng hoảng nhân đạo - điều mà thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn bàng quan.

Trong hai ngày 9 và 10/10, Taliban đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên với phía Mỹ, kể từ khi họ tiến vào Kabul hồi tháng 8. Ngay sau đó, Taliban cũng làm việc với các đặc phái viên của Liên hiệp châu Âu (EU).

Mục tiêu của Taliban trong các cuộc thương thảo là rất rõ ràng. Họ nỗ lực tìm kiếm những sự thừa nhận vị thế lãnh đạo Afghanistan của mình trên trường quốc tế. Họ đề nghị giải phóng các khoản dự trữ quốc gia đang bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài, lên đến chín tỷ USD. Họ mong mỏi những cơ chế hợp tác nhằm tái thiết đất nước.

Ðáp lại, sau khi nước Mỹ cân nhắc việc cung cấp viện trợ nhân đạo trực tiếp, EU cũng tuyên bố thông qua một gói viện trợ trị giá 1,2 tỷ USD, "nhằm tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế - xã hội và nhân đạo" tại Afghanistan. Và tại Hội nghị khẩn cấp trực tuyến, còn hàng loạt quốc gia thành viên G20 cũng lên tiếng cam kết hỗ trợ, như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề xuất thành lập một nhóm công tác về Afghanistan trong khuôn khổ G20, đồng thời nhấn mạnh: "Thiết lập an ninh và ổn định ở Afghanistan sớm nhất có thể là điều quan trọng không chỉ ở cấp khu vực mà còn ở cấp quốc tế". Ông cảnh báo, các nước châu Âu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực nhập cư.

Tuy nhiên, vẫn có một điều chưa thể thay đổi. Cả Mỹ, EU lẫn G20 vẫn đều làm rõ: Những nỗ lực viện trợ dành cho Afghanistan không có nghĩa là chính thức công nhận vị thế của chính quyền Taliban. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có quốc gia nào thực hiện điều ấy, và nói như phái đoàn đàm phán Mỹ: Quan điểm đánh giá về Taliban sẽ được đưa ra dựa trên hành động, chứ không chỉ là lời nói.

Thực tế, theo báo chí phương Tây, Taliban vẫn né tránh các cam kết cụ thể về việc bảo vệ quyền con người, nhất là quyền trẻ em và phụ nữ. Nhiều trẻ em còn chưa được đến trường, và còn nhiều phụ nữ chưa được đi làm, đặc biệt là các nữ cán bộ ở công sở. Do đó, để tiếp tục nhận được sự giúp đỡ lâu dài, chính quyền ấy phải đưa ra được những cam kết, và thực hiện được những cam kết đó bằng hành động, nhằm đáp ứng các điều kiện.

Nói như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres: "Những cam kết bị phá vỡ khiến giấc mơ của phụ nữ và trẻ em gái tan vỡ. Phụ nữ và trẻ em gái cần được quan tâm nhiều hơn". Mà thực tế, khoảng 80% nền kinh tế của Afghanistan là phi chính thức và do phụ nữ chi phối. Vì vậy, nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ, rất khó để nền kinh tế Afghanistan có thể phục hồi.