Giông bão vẫn chực chờ

Đã có hơn một triệu ca tử vong trên toàn cầu. Và đại dịch Covid-19 vẫn là một “bóng ma” ám ảnh sự an toàn, ổn định cũng như tiến trình phát triển của toàn nhân loại. 

Chính xác là đến sáng 7-10, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 36.026.816 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.053.926 ca tử vong. Hơn 27,13 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, trong khi còn hơn 7,94 triệu ca vẫn đang được điều trị, với khoảng 67.500 ca bệnh nặng và nguy kịch.

Những con số khủng khiếp. Nhưng điều khủng khiếp hơn vẫn còn ở trước mắt, khi không ít quốc gia đã lại phải sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho một đợt bùng phát mới. Như đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tám tháng qua, người dân châu Âu - khu vực thịnh vượng hàng đầu thế giới - “đã phải hy sinh quá nhiều cho những nỗ lực kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19”, và điều đó dẫn đến tâm trạng chung là “chán nản và mệt mỏi”. 

Thậm chí, ước tính có đến 60% dân số chịu những tác động tiêu cực từ bối cảnh u ám đó, ở cựu lục địa. 

Bên kia Đại Tây Dương, cường quốc kinh tế số 1 thế giới cũng đang vật lộn với những hệ lụy của Covid-19. Không phải quốc gia nào khác, chính nước Mỹ dẫn đầu một cách chẳng có gì đáng tự hào về tình hình bệnh dịch, với hơn 7,71 triệu ca mắc, trong đó có 215.729 ca tử vong.

Covid-19 phủ bóng đen lên cả sự kiện chính trị quan trọng nhất mà toàn thế giới chú tâm: cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Việc đương kim Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump) buộc phải tuyên bố mình có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là một diễn tiến đầy bất ngờ cho cuộc đua, khi mới chỉ mấy ngày trước thôi chính ông chủ Nhà trắng còn châm biếm cách đối thủ G.Bai-đơn (Joe Biden) đeo khẩu trang mọi lúc. Bị chỉ trích dữ dội về cách kiểm soát dịch bệnh, việc nhiễm Covid-19 có thể khiến chặng nước rút của đương kim Tổng thống Mỹ lại sẽ vấp thêm nhiều rào cản. 

Có điều, ngày 6-10, ông Đô-nan Trăm vẫn thông báo: Ông đình chỉ đàm phán với các nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập, về dự luật cứu trợ mới nhằm giảm tác động của đại dịch cho đến sau khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3-11 tới có kết quả kiểm phiếu, ngay cả khi các ca dương tính với SARS-CoV-2 gia tăng tại nhiều khu vực nước Mỹ. 

Dĩ nhiên, đó lại là một ngón đòn chính trị cân não nữa. “Ngay sau khi tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thông qua Dự luật kích thích lớn nhằm giảm tác động của dịch Covid-19, tập trung vào những người Mỹ chăm chỉ và các doanh nghiệp nhỏ” - một tuyên bố đầy tính “tiếp thị”, hướng tới bộ phận cử tri còn đang dao động.

Vấn đề là, khi đến cả nước Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn còn đang cố gắng hoạch định một con đường cho mình trong tương lai gần, xuyên qua bão giông mù mịt, thì mọi nền kinh tế khác trên thế giới - một thế giới ngày càng toàn cầu hóa - cũng bị ảnh hưởng. Sẽ không ai biết chắc chắn được mình cần phải chuẩn bị những gì, và trì hoãn các kế hoạch hợp tác - phát triển đến bao lâu, trong những điều kiện nào…, khi những làn sóng bùng phát và nguy cơ phong tỏa vì Covid-19 vẫn đang lẩn khuất. 

Hơn hết, những quốc gia nghèo và kém phát triển, những đất nước đã và đang bị tàn phá bởi chiến tranh hay bị làm suy kiệt bởi biến đổi khí hậu, sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn trong việc tự bảo vệ chính mình trước đại dịch. 

Những tia hy vọng đã lóe lên, với các thông tin tích cực về tiến trình bào chế các liều vắc-xin phòng bệnh. Có điều, cho đến lúc đó, bất cứ một đợt phong tỏa nào nữa, ở bất cứ đâu, cũng sẽ có thể tạo thêm sức ép để làm gãy vụn những kết cấu nào quá mong manh.