Đối thoại với… chính mình

Một cuộc "đối thoại dân tộc" đã bắt đầu được khởi động, như tuyên bố tối 1/5 của đương kim Tổng thống Tunisia - ông Kais Saied. Đương nhiên, gắn liền với sự kiện này sẽ là rất nhiều kỳ vọng, nhằm kiến tạo thống nhất và đồng thuận nội bộ quốc gia Bắc Phi đó. Tuy nhiên…

Tuy nhiên, cuộc "đối thoại dân tộc" này sẽ không bao gồm các nhóm và thành phần đối lập.

Theo hãng Arab News, cuộc đối thoại sẽ có sự tham gia của bốn nhóm chính trị, bao gồm: Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia (UTICA), Liên đoàn Nhân quyền Tunisia và Hội Luật sư Tunisia. Đây cũng chính là "Bộ tứ Đối thoại quốc gia" đã cùng nhau đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2015 - trong vai trò kiến tạo nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông và Bắc Phi từ tro tàn của "Mùa xuân Arab".

Và ngược lại, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Kais Saied khẳng định rằng ông sẽ loại trừ tất cả các đảng phái mà ông cho là phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị làm đất nước xáo trộn, những kẻ "phá hoại, bóc lột và bỏ đói người dân" (theo Africa News).

Trong lộ trình đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ông Saied đã lên lịch tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp vào ngày 25/7, trước phiên họp lập pháp ngày 17/12. Theo ông, ủy ban gồm các chuyên gia chịu trách nhiệm chuẩn bị Hiến pháp cho "một nền Cộng hòa mới" sẽ sớm hoàn thành công việc của mình.

Tuy vậy, không nên quên rằng, như người phát ngôn của lực lượng Vệ binh Quốc gia Tunisia - ông Houcemeddine Jbabli - hé lộ hồi cuối tháng 3, trong vòng sáu tháng tính đến thời điểm đó, lực lượng an ninh đã triệt phá 148 căn cứ khủng bố, đồng thời ngăn chặn hàng loạt âm mưu tấn công trên lãnh thổ Tunisia.

Thực tế, tình hình Tunisia đã trở nên bất ổn hơn nhiều kể từ mùa hè 2021. Ngày 25/7 năm ngoái, Tổng thống Saied đã tuyên bố cách chức Thủ tướng Hicham Mechichi, đồng thời đình chỉ hoạt động của Quốc hội Tunisia và tạm thời tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ, trong một động thái mà phe đối lập coi là một cuộc "đảo chính", nhưng lại đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân-vốn đang bộc lộ sự công phẫn với giới chính trị truyền thống ở thượng tầng.

Ngày 6/2/2022, Hội đồng Tư pháp cấp cao (CSM) bị Tổng thống Saied giải tán, lý do vì nhiều thẩm phán ở cấp địa phương do CSM bổ nhiệm bị tình nghi tham nhũng và không giải quyết được một số vụ xét xử quan trọng, nhất là những vụ việc liên quan đến các vụ ám sát các chính trị gia. Ngày 12/2, một CSM lâm thời được thành lập khẩn cấp để thay thế.

Rất nhiều quyền đã và đang được tập trung về Phủ Tổng thống. Nhưng cũng chính vì thế, chuyện buông bỏ bớt những quyền lực ấy, thông qua một tiến trình cải cách chính trị, sẽ đầy bất trắc và cạm bẫy.

Có thể hiểu lý do vì sao ông Kais Saied không mở rộng phạm vi tham dự "đối thoại dân tộc". Những địch thủ chính trị đối lập của ông-đảng Ennahdha-chắc chắn sẽ không thỏa hiệp ở mọi vấn đề, và sẽ làm mọi cách để ngáng trở cuộc cải tổ mà ông đang tiến hành.

Vấn đề là, chính Kais Saied cũng đang phải chịu rất nhiều sức ép từ bên ngoài. Cả Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều nhiều lần gợi ý ông tiến hành cuộc "đối thoại dân tộc" kia. Trong khi đó, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng vẫn đang tiếp diễn, Tunisia cần một khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Song, nước Mỹ-bên có thẩm quyền lớn nhất trong IMF - lại đòi hỏi Tunisia phải giải quyết "những lo ngại về nền dân chủ", nếu họ muốn được hỗ trợ.

Và ngày 1/5, lãnh đạo nhóm UGTT-Noureddine Taboubi-nhận xét rằng đây "có lẽ là cơ hội cuối cùng" để gắn kết đất nước, đồng thời tránh "sự tan rã của nhà nước cũng như sự sụp đổ kinh tế và
tài chính".

Một cuộc đối thoại không có phe đối lập, cũng có nghĩa là thông điệp thầm kín về sự không khoan nhượng. Song, đây cũng là bài toán cực kỳ hóc búa mà Saied phải tìm được lời giải, bằng cách thuyết phục những người "cùng hội cùng thuyền" tiếp tục gắn bó, nhằm hoàn tất một tiến trình đổi thay