Đoàn tàu đã chuyển bánh

Không nghi ngờ gì, dù với bất cứ chủ nhân nào của Nhà trắng, Trung Đông vẫn sẽ là một điểm then chốt trong mọi chiến lược đối ngoại, một khu vực địa chính trị mà nước Mỹ không thể thiếu vắng. Với tính chất đó, những mong đợi, và cả hoài nghi về thay đổi của Oa-sinh-tơn (Washington), trên lộ trình đã và đang diễn ra - cụ thể là “tiến trình hòa bình Trung Đông mới”, có lẽ đều chưa thể nhận được phản hồi thỏa đáng.

Vẫn còn rất nhiều quốc gia trong cộng đồng các nước A-rập (Arab) Hồi giáo nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung sát cánh với Pa-le-xtin (Palestine), bày tỏ mong muốn "hồi sinh" và thực thi nghiêm túc "giải pháp hai nhà nước", nhằm hóa giải những hận thù nghìn năm chồng chất trong mối quan hệ I-xra-en (Israel) - Pa-le-xtin.

Liên hợp quốc (LHQ) cũng không "án binh bất động". Ngày 15-12, T.Oen-nơ-xlan (Tor Wennesland) - một nhà ngoại giao Na Uy kỳ cựu - được đích thân Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) đề cử vào vị trí đại diện mới của LHQ, nhằm thực hiện nhiệm vụ trung gian hòa giải cho mối quan hệ ấy. Sự đề cử này đã được Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua ngay trong ngày.

Cần phải nhấn mạnh: Ngày 1-12, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tơ-rét vẫn khẳng định: Chỉ có "giải pháp hai nhà nước" mới có thể mang lại nền hòa bình bền vững, đồng thời cho biết LHQ sẽ tiếp tục cam kết ủng hộ hai bên xúc tiến nỗ lực giải quyết cuộc xung đột.

Theo Tổng Thư ký Gu-tơ-rét, lập trường của LHQ về "giải pháp hai nhà nước" cùng tồn tại hòa bình đối với cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Ðại hội đồng LHQ, cũng như luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương giữa hai chính quyền. Ông cũng nhắc lại cam kết của LHQ đối với mưu cầu của người dân Pa-le-xtin về các quyền chính đáng và một tương lai hòa bình, công bằng, an ninh và được tôn trọng.

Tuy nhiên, ngay từ một tháng trước, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới có những kết quả sơ bộ, dù nhiều luồng dư luận lạc quan cho rằng một chính quyền mới của một tổng thống mới ở Mỹ sẽ mang đến hy vọng làm sống lại những cuộc đối thoại trong tiến trình hòa bình Trung Ðông "cũ", phía Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) vẫn tỏ ra khá thận trọng: "Chúng tôi không mong đợi những sự biến đổi kỳ diệu. Chúng tôi chỉ trông chờ các chính sách nguy hiểm (của đương kim tổng thống Mỹ) biến mất".

Sự thận trọng đó hoàn toàn có cơ sở.

Thật ra, trong chiến dịch vận động tranh cử, ngoài chuyện hứa hẹn sẽ mở một lãnh sự quán Mỹ ở Ðông Giê-ru-xa-lem (trên lý thuyết thuộc quyền quản lý của Pa-le-xtin), Tổng thống đắc cử G.Bai-đơn (Joe Biden) cũng chưa từng tuyên bố sẽ lật ngược các chính sách đã định hình trong nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm.

Chuyện công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô mới của I-xra-en, chuyện dời Ðại sứ quán Mỹ ở I-xra-en về đó, và hơn cả là sự thúc đẩy mạnh mẽ "tiến trình hòa bình Trung Ðông mới", trên cơ sở bình thường hóa mối quan hệ giữa I-xra-en với các quốc gia trong khu vực, đều có liên quan mật thiết đến lợi ích cốt lõi của chính nước Mỹ.

Cho dù bị nhìn nhận như sự bội tín đối với "giải pháp hai nhà nước" và sự phớt lờ nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của Pa-le-xtin, thì với nước Mỹ, hành trình này thực tế lại giúp họ thoát khỏi những vũng lầy ngoại giao tồn đọng, khi một đồng minh quan trọng như I-xra-en lâu nay bị cô lập trong vòng vây của không ít đối tác A-rập Hồi giáo quan trọng.

Ðến nay, sau khi Ma-rốc (Morocco) chính thức bình thường hóa quan hệ với I-xra-en, đã có bốn nước đáp lại những gợi ý (mang đầy những hứa hẹn lợi ích kinh tế cũng như tiềm năng ổn định phát triển) từ phía nước Mỹ ở vai trò lĩnh xướng), chỉ trong vòng bốn tháng, bao gồm: Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ba-ren (Bahrain), Xu-đăng (Sudan) và Ma-rốc.

Rất khó để kéo ngược một đoàn tàu đã chuyển bánh, đặc biệt là khi nó gắn liền với lợi ích. Tổng thống đắc cử của nước Mỹ chắc chắn là hiểu điều đó. Bất kể LHQ có quan điểm thế nào thì mọi động thái mới của nước Mỹ đều gắn với lợi ích của chính nước này.