Điểm nóng chưa từng hạ nhiệt

Tất nhiên, trong thời điểm hiện tại, cả thế giới đang dồn hầu như toàn bộ sự chú ý vào diễn biến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại Ukraine. Song, điều đó không có nghĩa là mọi "điểm nóng" khác đều đã nguội lạnh. Và một trong số đó, đang sôi trào trở lại, là Bờ Tây.

NHỮNG gì mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề cập ngày 11/4 nhắc nhở thế giới: Cuộc xung đột trăm năm Israel-Palestine vẫn tiếp tục diễn biến vô cùng đáng lo ngại.

Tính đến thời điểm ngày 11/4 đó, đợt căng thẳng leo thang mới nhất cũng đã kéo dài ba tuần. Thành phố Jenin ở Bờ Tây bị quân đội Israel tiến công mạnh mẽ, sau nhiều ngày giao tranh khốc liệt.

14 người thiệt mạng, hàng chục người khác đã bị thương. Cũng trong ngày 11/4 ấy, phía Israel đã bắt giữ 14 người Palestine tình nghi là nghi can khủng bố, trong khi phía Palestine cáo buộc Israel đang làm bạo lực leo thang.

TUY nhiên, vấn đề không chỉ là sự tiếp nối của những chuỗi bạo lực chưa bao giờ hoàn toàn chấm dứt kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai-thời điểm quốc gia Israel được thành lập. Như mọi cuộc xung đột khác, lần bùng phát căng thẳng này cũng đã và đang đặt ra những mệnh đề nhức nhối về khía cạnh nhân đạo.

Không phải ngẫu nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Các bên liên quan không được phép coi trẻ em là mục tiêu tấn công bạo lực; phải tránh tấn công trẻ em bằng mọi giá. Đồng thời, ông kêu gọi các lực lượng an ninh-quốc phòng Israel kiềm chế tối đa, và chỉ sử dụng vũ khí sát thương khi không thể tránh được.

Bởi vì, ở Bờ Tây, trong số thống kê thương vong đang tăng lên mỗi ngày, có không ít phụ nữ và trẻ em. Bởi vì, mới tháng 5/2021, nghĩa là gần một năm trước thôi, 11 ngày giao tranh đẫm máu đã khiến cả dải Gaza bị tàn phá nặng nề, cũng như đẩy cuộc sống của hàng nghìn gia đình vào tình cảnh thêm khốn khó. Bởi vì, như "cuộc chiến mùa hè" năm 2014, theo nhận định từ Liên hợp quốc, các hình thức tội phạm chiến tranh đã được thực hiện ở cả hai phía, trên dải Gaza.

Còn hiện tại, như Thủ tướng Palestine-ông Mohammad Shtayyeh-cáo buộc: Các quan chức Israel thậm chí đã kêu gọi người dân của mình mang súng ra đường. Đây, theo ông, là hành vi kích động bạo lực, và do đó, ông kêu gọi quốc tế hành động nhằm ngăn chặn tình trạng này.

cUỐI tháng trước, ngày 27/3, trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken ở Bờ Tây, Tổng thống Palestine Madmoud Abbas khẳng định: Việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine cần phải chấm dứt thông qua một giải pháp chính trị.

Tổng thống Abbas kêu gọi Mỹ thực hiện cam kết với "giải pháp hai nhà nước" bằng cách ngăn chặn Israel triển khai các kế hoạch định cư làm ảnh hưởng đến người Palestine cũng như các hành động đơn phương của nước này. Ông cũng đề nghị Mỹ mở lại Lãnh sự quán ở Đông Jerusalem, và hủy bỏ điều luật coi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là tổ chức khủng bố.

Song, dĩ nhiên, đó không phải là những yêu cầu dễ thực hiện. Nói cách khác, đó là sự đảo ngược chính sách mà nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống đã tiến hành-nghĩa là tìm kiếm và xây dựng hòa bình cho Trung Đông thông qua tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab Hồi giáo láng giềng, chứ không còn tập trung vào "giải pháp hai nhà nước".

Nói cách khác, những giọt nước mắt lay động của chính Tổng thống Palestine Abbas với các tấm bản đồ biểu thị những phần lãnh thổ Palestine mất vào tay Israel (tháng 2/2020) đã rơi vào thinh không.

Và bởi vậy, tinh thần phản kháng của người Palestine lại càng thêm bùng lên dữ dội, theo đà xây dựng những khu định cư Do Thái mới từ phía Israel. Những ngày qua, hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã được các phần tử người Palestine thực hiện, và điều này khiến Israel đương nhiên phải mạnh tay trấn áp.

Nhưng, sau lưng những hành động phản kháng khốc liệt đó là gì. Là cả những khối đông đảo người Palestine chưa từng từ bỏ khát vọng độc lập. Và là sự đòi hỏi không khoan nhượng, về chủ quyền.