Điểm hẹn tháng ba

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Ba Lan vào ngày 25/3 để hội đàm song phương với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda, về các vấn đề xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Song, những gì diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao bất thường ngày 24/3 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có lẽ mới là điều thật sự quan trọng, đối với lợi ích cốt lõi của nước Mỹ.

Bởi vì, vào ngày 21/3, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Định hướng chiến lược về an ninh, quốc phòng tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Một cách đơn giản, mục tiêu của kế hoạch đầy tham vọng mang tên La bàn chiến lược (Strategic Compass) này là giúp EU có thể tự cung cấp những bảo đảm an ninh mạnh mẽ và giàu năng lực hơn. Strategic Compass sẽ nâng cao quyền tự chủ chiến lược của khối, cũng như khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU.

Theo Định hướng này, EU sẽ sử dụng các nhóm tác chiến được thành lập vào năm 2007 để tạo thành lực lượng phản ứng gồm 5.000 binh sĩ. Lực lượng này có thành phần là các đơn vị bộ binh, không quân, hải quân và có khả năng vận tải để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp, cứu và sơ tán công dân châu Âu trong các cuộc xung đột.

Nói cách khác, đây là hình hài sơ khởi của một "Quân đội châu Âu" riêng biệt và độc lập với NATO.

Đây hoàn toàn không phải là một câu chuyện mới. Nó đã được phác thảo từ nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông thẳng thừng đòi hỏi các đồng minh truyền thống châu Âu (bằng những kiểu ngôn từ có thể nói là "phi ngoại giao") phải tỏ ra có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp vào công cuộc phòng thủ chung của NATO (nghĩa là bỏ tiền ra nhiều hơn). Những cuộc thảo luận về đề tài này, theo "màu sắc" ấy, thậm chí đã khiến cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker từng phải đúc kết đầy mỉa mai: "Rút cục, nếu có chuyện gì xảy đến, điều duy nhất chúng ta có thể tin cậy vẫn chỉ có thể là chính đôi tay chúng ta".

Và bởi vậy, cho dù suốt từ đầu năm 2021, ông chủ mới của Nhà trắng cũng đã khá nỗ lực nhằm siết lại những mối dây liên hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu lục địa, thì ý tưởng về một "Quân đội châu Âu" mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ấp ủ vẫn cứ tồn tại, cùng những vết rạn giữa hai bên.

Những vết rạn hằn sâu thêm, khi Mỹ cùng Anh và Australia thành lập liên minh riêng AUKUS ở Thái Bình Dương, sau vụ "lùm xùm" liên quan chuyện Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để trang bị tàu ngầm hạt nhân Mỹ, càng khiến Paris cảm thấy mình trở thành "kẻ ngoài rìa".

Hiện tại, đã có thêm những khía cạnh mới ở câu chuyện cũ ấy, theo dòng diễn biến chiến sự khốc liệt tại Ukraine. Dĩ nhiên, NATO vẫn đang cố gắng củng cố các hệ thống phòng ngự ở sườn phía đông của mình. Song, có vẻ như vị thế, sức răn đe cũng như khả năng ứng biến cấp thời của NATO đã và đang bị đặt trước quá nhiều hoài nghi. Hoặc, thậm chí là bị thách thức.

Phát biểu với báo giới, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Joseph Borrell, nhấn mạnh: Định hướng chiến lược là kim chỉ nam cho hành động. Nó đặt ra một hướng đi đầy tham vọng cho chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh này trong thập niên tới, đồng thời sẽ giúp EU đối mặt với trách nhiệm an ninh của chính mình.

"Chiếc ô an ninh" mà nước Mỹ vẫn luôn hứa hẹn, thông qua NATO, có vẻ đã không còn đủ an toàn và hấp dẫn đối với cựu lục địa nữa. EU xem như đã chính thức thông báo một "phương án B". Họ đã sẵn sàng theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng này, bằng cả các cam kết chính trị bền vững lẫn những hành động cụ thể (thí dụ như tăng ngân sách quốc phòng).

Và việc bảo vệ hay vãn hồi vị thế Mỹ sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trước hiện thực tất yếu này.