Đâu chỉ là “lưỡng bại câu thương”?

Hai cường quốc hàng đầu cáo buộc lẫn nhau đe dọa an ninh quốc gia. Những lãnh sự quán bị buộc phải đóng cửa. Những tít báo không còn buồn ám chỉ nữa, mà nói thẳng về một nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” mới cận kề…

Vấn đề là, hiện tại hoàn toàn không phải thời điểm thích hợp để thế giới chứng kiến thêm bất cứ một cuộc căng thẳng hay xung đột nào, chưa nói đến sự “đụng độ” của hai nền kinh tế số 1 và số 2.
 
 Thế giới đang bắt buộc phải tự chuyển mình, để vượt qua một khúc quanh đầy khổ nhọc - khúc quanh mang tên đại dịch Covid-19. Hàng loạt những guồng quay bị đình trệ. Hàng loạt tiến trình phát triển bị đẩy lùi. 600.000 sinh mạng bị cướp đi (theo số liệu tính đến ngày 28-7 của AFP) và hàng triệu triệu con người khác bắt buộc phải sống trong cảnh không biết ngày mai sẽ như thế nào.
 
 Sự ổn định trở nên xa xỉ đến mức cả những khu vực kinh tế thịnh vượng nhất cũng phải đắn đo cân nhắc từng quyết định cứu trợ, như cách Liên hiệp châu Âu (EU) mới trải qua tại cuộc họp cấp cao căng thẳng bậc nhất trong lịch sử.
 
 Thế mà, đúng thời điểm này, căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc lại bị đẩy lên một tầm mức mới.
 
 Vẫn còn quá sớm để bất cứ ai, cho dù là những nhà phân tích tình hình thời sự thế giới dày dạn và sắc sảo nhất, nhận xét thấu đáo về những gì đang diễn ra, làm rõ các động cơ cùng những nguyên nhân đích thực, hay dự đoán chính xác những gì sẽ tiếp tục xảy đến.
 
 Tuy nhiên, ngược lại, chẳng cần phải là một chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể hình dung được những hệ quả u ám, nếu sự căng thẳng này không được hạ nhiệt. Những niềm tin ngắn hạn trở nên mong manh, điều phản chiếu qua những biến động dữ dội của giá vàng thế giới những ngày qua. Còn những kế hoạch dài hạn thì vẫn đều đang nằm trên giấy. Tất cả đều chậm lại, chờ đợi các diễn biến tiếp nối, để định lượng xem mình có thể làm gì nếu bị cuốn vào sức chấn động tỏa ra từ sự va chạm của hai người khổng lồ.
 
 Ai cũng có lý do biện hộ cho hành động của mình, chính là lợi ích cốt lõi của riêng mình. Bởi vậy, có lẽ sự suy kiệt của cả nền kinh tế thế giới, bao gồm cả những nước nghèo lẫn những quốc gia đang vật lộn tìm cách tái thiết từ đống tro tàn, sau đợt tàn phá đầu tiên của đại dịch Covid-19 dễ dàng bị gạt sang một bên.
 
 Kinh tế thế giới mấy năm nay đã khó khăn hơn rất nhiều bởi những ảnh hưởng của “thương chiến Mỹ - Trung”. Thêm những xung đột gay gắt lần này, các
 
 guồng máy giao thương từ “kinh đô công nghệ thế giới” đến “công xưởng của thế giới” sẽ lại thêm đình trệ. Những cơ hội phát triển mà đáng lẽ sẽ giúp nhiều nước, nhiều khu vực cất cánh hoàn toàn có khả năng biến mất. Những tiến trình hồi phục sau Covid-19 trở nên xa vời hơn rất nhiều.
 
 Hơn thế, thực tế, mọi căng thẳng chính trị đều luôn tiềm ẩn các nguy cơ mất ổn định lâu dài. Khi những đường ranh giới được vạch ra rõ ràng, mọi triển vọng hợp tác để cùng phát triển đều sẽ bị đặt trước những câu hỏi đầy cạm bẫy.
 
 Thế mà, đây có thể sẽ là lằn ranh chia cách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sẽ chẳng ai được lợi lộc gì, thậm chí tất cả đều sẽ bị tổn thương, nếu không sớm được chứng kiến những động thái “hạ nhiệt” mang tải tinh thần trách nhiệm của các cường quốc dẫn đầu.