Cuộc “đọ súng” quanh “chuyện súng”

Nhưng thật ra, đó đâu chỉ đơn thuần là những tranh cãi tiếp nối câu chuyện không hồi kết về quản lý vũ khí. Trong sâu thẳm, đó là cuộc đọ sức vì quyền lực, giữa các thế lực trên chính trường Mỹ.

Ngày 13-8, lãnh đạo phe các nghị sĩ thiểu số ở Thượng viện Mỹ - C.Su-mơ (Charles Schumer) - hé lộ rằng ông sẽ đề nghị chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) sử dụng năm tỷ USD phục vụ cho các sáng kiến nhằm ngăn chặn bạo lực cũng như chủ nghĩa da trắng thượng đẳng - những mối hiểm họa đang gia tăng.

Khoản tiền năm tỷ USD đó được đề nghị giải ngân cho các chương trình của Bộ An ninh nội địa, cũng như các hoạt động cần thiết của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan khác. Theo ông Su-mơ, tai họa kép của bạo lực súng đạn và khủng bố, bắt nguồn từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, đang trở thành nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Trước đó, FBI cùng Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đã cảnh báo về những hiểm họa tiềm tàng này, và cũng đã “than thở” rằng họ không có đủ nguồn lực hỗ trợ để giải quyết các vấn đề ấy.

Rõ ràng, sau những vụ xả súng kinh hoàng nối nhau diễn ra, đề xuất này thật “hợp tình, hợp lý”.

Có điều, khoản năm tỷ USD ngân sách ấy sẽ lấy từ đâu? Câu trả lời thật “đơn giản”: Từ chính khoản ngân sách mà đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã lên kế hoạch sử dụng để xây bức tường ngăn cách biên giới phía nam giáp Mê-hi-cô (Mexico), nhằm chặn bước những đoàn người nhập cư bất hợp pháp - điều mà ông chủ Nhà trắng hiện tại cũng đánh giá là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia.

Ý tưởng ấy - một trong những “yếu lĩnh” quan trọng nhất trong chương trình tranh cử năm 2016 - đã, đang và sẽ luôn bị những chính trị gia đối lập phản đối dữ dội, khi họ không chia sẻ cùng cách tiếp cận vấn đề với Tổng thống Đ.Trăm. Lần này cũng vậy. C.Su-mơ đã dẫn đầu các nghị sĩ phe Dân chủ “đánh một đòn” khá “hiểm hóc”. Đặc biệt, theo ông, “đảng Dân chủ đã làm việc với đảng Cộng hòa nhằm đáp lại lời kêu gọi của FBI, nhằm tìm kiếm những nguồn lực khả thi”.

Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã cố gắng bảo vệ “bức Vạn lý trường thành” của mình bằng mọi giá, kể cả đe dọa sử dụng đến quyền phủ quyết tối cao nhằm đảo ngược hiệu lực các dự luật từ Quốc hội. Và ngược lại, các đối thủ từ đảng Dân chủ cũng tìm mọi cách để “tước vũ khí” trong tay ông.

Những chuyện này có liên quan gì đến hai vụ xả súng liên tiếp trong tháng 8, khiến hơn 30 người thiệt mạng hay không? Dĩ nhiên là có. Những sự vụ đau lòng ấy một lần nữa lại làm dấy lên các cuộc tranh luận về quyền sở hữu và sử dụng súng đạn – một trong những nét đặc trưng văn hóa Mỹ, cũng là điều khiến bất cứ ai cũng có thể dễ dàng sở hữu trong nhà cả kho vũ khí.

Song, sự bi thảm ấy và nhu cầu thay đổi thực trạng ấy cũng có thể được sử dụng như những cái cớ, những công cụ, những phương tiện nhằm ngáng trở hay triệt hạ nhau, trong cuộc chiến không khoan nhượng mang tên “quyền lực”. Nói cách khác, “chuyện súng đạn” đang trở thành một “điểm nóng giao tranh” mới trên chính trường nước Mỹ, trong cả một tổng thể sôi sục các dòng chảy ngầm đan xen.

Cuối năm tới đã lại là một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới. Và trong quá khứ gần, từ cuối năm 2015, cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama) của đảng Dân chủ đã không thể áp chế được phe đối lập Cộng hòa, nhằm thực thi các biện pháp kiểm soát vũ khí cứng rắn hơn. Cho dù, hồi đó, các vụ xả súng đẫm máu cũng đã từng xảy ra.

Và vẫn liên tục diễn ra, cho đến tận bây giờ…