Con đường tất yếu

Ngày 18/5, theo hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một bản dự thảo kế hoạch nhằm phác thảo lộ trình tái cơ cấu chính sách năng lượng. Nhìn thoáng qua, đây dường như là một giải pháp tức thời nhằm giải quyết các vấn đề ngắn hạn. Tuy vậy, thực tế, nếu được thông qua, bản dự thảo này có thể sẽ trở thành một bước ngoặt đáng nhớ, khi không chỉ tác động đến kinh tế hay địa chính trị toàn cầu.

Như Reuters hé lộ từ trước, tài liệu dự thảo được đưa ra từ Brussels dựa trên ba điểm chính: Đẩy mạnh nhập khẩu từ các nguồn cung khí đốt ngoài Nga; thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo; và cuối cùng là áp dụng thêm nhiều biện pháp cần thiết nhằm tiết kiệm năng lượng.

Về tổng thể, theo dự thảo này, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ đầu tư khoảng 210 tỷ euro (mà khối đã có kế hoạch hỗ trợ bằng cách giải phóng thêm tiền từ quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19) nhằm mục đích làm giảm hàng tỷ euro mà châu Âu chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch mỗi năm.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề đầu tiên mà EU muốn xử lý thông qua kế hoạch ấy là việc vạch ra một chương trình ngắn hạn cho các nguồn cung khí đốt không phải của Nga, nhấn mạnh tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các quốc gia như Ai Cập, Israel hay Nigeria… cũng như thiết lập những cơ sở hạ tầng cần thiết để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc năng lượng từ một nguồn cung chủ chốt: Nước Nga, với 40% lượng khí đốt và 27% lượng dầu nhập khẩu của EU.

Song, vượt trên các thách thức đang hiện hữu về kinh tế, xã hội và địa chính trị, EU cũng như cả thế giới vẫn đã, đang và sẽ còn cùng phải đối diện một mệnh đề liên quan đến sự tồn vong chung của loài người: Tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hơn cả xung đột, chiến tranh hay bệnh dịch, sự gia tăng chóng mặt của nền nhiệt Trái đất mới chính là tác nhân lớn nhất dẫn đến những nguy cơ hủy diệt, cũng như đào sâu thêm khoảng cách chia rẽ giàu nghèo (cho dù là giữa các tầng lớp xã hội trong cùng một quốc gia, hay giữa các quốc gia với nhau).

Đối diện bối cảnh ấy, không phải trung tâm kinh tế-chính trị nào khác, chính EU là khu vực phát triển hàng đầu thế giới "đón lấy ngọn cờ" và đóng vai trò thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thí dụ như với các diễn biến và những cam kết mạnh mẽ ở Thỏa thuận Paris năm 2015.

Bởi vậy, bản dự thảo kế hoạch trị giá 210 tỷ euro hiện tại được kỳ vọng sẽ trở thành nền móng cho một kỷ nguyên mới. Theo đó, EC đang xem xét đề xuất các mục tiêu cao hơn để mở rộng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, với 45% thị phần năng lượng tái tạo vào năm 2030, thay thế cho đề xuất 40% hiện tại. Việc cắt giảm 13% mức tiêu thụ năng lượng của EU vào năm 2030, so với mức sử dụng dự kiến, cũng đang được thảo luận để thay thế đề xuất 9% hiện tại.

Năm 2030 cũng là mốc thời gian mà EU dự kiến giảm nhu cầu khí đốt (một trong những loại năng lượng hóa thạch) của mình khoảng 30%. Cụ thể hóa mục tiêu ấy, theo bản dự thảo đang được đưa ra, các dạng "năng lượng xanh" (nhất là điện gió và điện mặt trời) sẽ được tạo mọi điều kiện để phát triển, từ rút ngắn thời gian cấp phép đến tăng tốc triển khai.

Tất nhiên, đây vẫn mới chỉ là những hoạch định mang tính lý thuyết. Vẫn còn cần rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả những "chấp nhận hy sinh" về mặt tăng trưởng kinh tế để cụ thể hóa những phác thảo này vào hiện thực. Cũng không loại trừ khả năng, trước quá nhiều thách thức và "cạm bẫy" tiềm ẩn trong thời cuộc, tiến trình ấy có thể sẽ không thể được hoàn tất đúng kỳ hạn.

Song, ít nhất thì EU cũng đã và đang tự tạo nên cơ hội rõ ràng để chuyển hướng từ năng lượng hóa thạch truyền thống sang "năng lượng sạch". Và rõ ràng, đó là một tin vui đối với hành tinh này.