Còn bao nhiêu thảm kịch nữa?

Tính đến sáng 25/5, theo giờ Việt Nam, số lượng nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng kinh hoàng tại Trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde của bang Texas (Mỹ) đã tăng lên con số 21, trong đó có 18 học sinh. Đó là số liệu cập nhật mới nhất tính đến thời điểm ấy, do Sở An toàn công cộng bang Texas công bố. Và đó vẫn chưa phải con số cuối cùng…

Danh tính hung thủ đã sớm được xác định: Salvador Romas, 18 tuổi, học sinh cũ Trường trung học phổ thông Uvalde. Salvado Romas đã bị cảnh sát Mỹ nổ súng tiêu diệt, sau khi xả súng bừa bãi vào khuôn viên Trường tiểu học Robb.

Sự vụ kinh hoàng này xảy ra vào chiều 24/5 (giờ địa phương), như xác nhận của Thống đốc bang Texas-ông Gregg Abbott. Ngay trong những báo cáo sơ bộ đầu tiên, đã có 14 học sinh cùng một giáo viên được xác nhận thiệt mạng.

Đây cũng chính là vụ xả súng trường học gây nhiều thương vong nhất, kể từ năm 2012-vụ tấn công một trường tiểu học ở bang Connecticut, cướp đi sinh mạng của 26 người (trong đó có 20 trẻ em).

Theo kết quả điều tra ban đầu, nhiều khả năng Salvador Romas hành động một mình. Nghĩa là, đây không phải một hình thức khủng bố hay tội phạm có tổ chức.

Tuy nhiên, điều đó có khiến nỗi đau vợi bớt, hoặc có làm cho các bậc cha mẹ cảm thấy bớt lo lắng hơn, cho sự an toàn dành cho những đứa trẻ của mình? Câu trả lời chắc chắn là "Không!", ở cả hai vế. Thậm chí, khi cả nước Mỹ treo cờ rủ, mệnh đề đặt ra vẫn là: "Tại sao câu chuyện hãi hùng này vẫn có thể tái diễn? Và làm thế nào để không còn những nỗi đau tận cùng như vậy giáng xuống trong tương lai?!".

Chưa có cách nào, ít nhất là đến lúc này. Ở một quốc gia mà quyền sở hữu súng đạn được xem là quyền công dân cơ bản được pháp luật bảo vệ để họ có thể mua một khẩu súng kèm đạn dễ dàng như mua một thanh kẹo, thì chưa cần đến bất cứ tổ chức khủng bố nào, cũng không hẳn là chuyện người sở hữu vũ khí có tiền sử bệnh tâm thần hay có khuynh hướng sử dụng bạo lực, chỉ cần một vài khoảnh khắc đánh mất lý trí hoặc bốc đồng nào đó, từ hư vô, những kẻ thủ ác máu lạnh đã luôn có thể xuất hiện.

Nếu muốn thay đổi thực tế ấy, nhằm đẩy lùi những ẩn họa đẫm máu ấy, cần phải có sự chuyển biến từ nền tảng pháp lý. Vấn đề là, bao nhiêu năm qua, Tu chính án số 2 (quy định quyền giữ và mang vũ khí của công dân Mỹ theo Hiến pháp) vẫn vững chãi ở đó, như một thực thể không cách gì bị động chạm.

Dĩ nhiên, ở nhiều khía cạnh, lòng ham thích súng đạn đã luôn là một nét tính cách đặc trưng, một truyền thống xuyên suốt lịch sử chinh phục và nới rộng biên cương của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Truyền thống ấy có vị trí riêng của nó, mà hơn thế, lợi nhuận từ ngành công nghiệp sản xuất vũ khí (trong trường hợp cụ thể này là vũ khí dân sự) cũng có trọng lượng riêng của nó.

Vấn đề là, thế giới đã và đang mỗi lúc chất chồng thêm nhiều nỗi bất an. Và ở nước Mỹ, với rất nhiều nguyên nhân (bao gồm cả các nguyên nhân đến từ sự phát triển công nghệ cũng như sự suy thoái về tâm trạng xã hội), những nỗi bất an đó lại càng lúc càng hằn sâu, trên một cái nền lấp lánh "tự do".

Mới 10 ngày trước thôi, 15/5, theo Reuters, nhiều người bị thương và một người tử vong, sau một vụ xả súng vào nhà thờ ở Laguna Woods, nam California. Cùng ngày, 10 người tử vong bởi một vụ xả súng mang đầy màu sắc thù hận và kỳ thị tại Buffalo, bang New York. Hung thủ sử dụng súng trường, mang máy quay và mặc trang phục kiểu quân đội cùng áo giáp toàn thân. Toàn bộ vụ xả súng được phát trực tiếp trên một nền tảng trò chơi – điều thật sự làm người ta lạnh gáy. Và tháng trước, ngày 13/4, một vụ xả súng khác cũng đã diễn ra ở nhà ga tàu điện ngầm quận Brooklyn, New York.

Mọi công dân đều có nguy cơ trở thành nạn nhân, vì bất cứ lý do gì. Điều đó, cùng những thảm kịch như vừa hiện hữu, liệu đã đủ sức nặng khi đặt lên bàn cân cùng một "truyền thống" xưa cũ hay chưa?