Chuyện cũ cho "người mới"

Tám năm trôi qua, nhưng chưa có gì hoàn toàn bị lãng quên dưới lớp bụi thời gian. Châu Âu lại một lần nữa chấn động, và tổng thống mới của nước Mỹ cũng sẽ phải đối diện những thách thức không nhỏ, khi những bí mật lại được phơi bày.

Một cách ngắn gọn, khi đương kim Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) tuyên bố thẳng: "Tôi muốn nói rằng đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận giữa các đồng minh", và khi Thủ tướng Ðức A.Méc-ken (Angela Merkel) nhấn mạnh: Thời điểm hiện tại cũng như trong quá khứ, cần phải làm rõ thêm về các hoạt động nghe lén của các cơ quan mật vụ nước ngoài ở Ðức, có nghĩa là mối quan hệ vừa mới chỉ nồng ấm trở lại giữa hai bờ Ðại Tây Dương lại đã bị thử thách.

Câu chuyện (hay nói đúng hơn là những cơn giận dữ) bùng lên, sau kết quả phối hợp điều tra của một loạt các cơ quan truyền thông lớn ở châu Âu - bao gồm các Ðài phát thanh quốc gia Ðan Mạch (DR), Ðài phát thanh NDR (Ðức), SVT (Thụy Ðiển), NRK (Na Uy) và báo Le Monde của Pháp. Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã lợi dụng quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Ðan Mạch (FE) để tiến hành do thám các "bạn bè".

Ðiều này chủ yếu được thực hiện qua nghiệp vụ thâm nhập mạng cáp quang truyền thông, do Ðan Mạch là điểm tập trung nhiều trạm cáp quang internet trên biển, kết nối nhiều nước như Ðức, Thụy Ðiển. Nắm được số điện thoại của các lãnh đạo, chính trị gia châu Âu, NSA hoàn toàn có thể truy cập nội dung tin nhắn văn bản, những cuộc điện thoại hoặc truy cập internet mà người bị theo dõi không hề hay biết. Và trong danh sách "nạn nhân", có tên của cả đương kim Thủ tướng Ðức.

Từ năm 2013, E.Xnâu-đơn (Edward Snowden) - một cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - đã làm thế giới chấn động, khi tiết lộ những thông tin bí mật về kế hoạch tuyệt mật này của nước Mỹ. Tổng thống Mỹ khi ấy - B.Ô-ba-ma (Barack Obama) - cũng như Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn (Hillary Clinton) đã phải mất rất nhiều công sức để xoa dịu cơn phẫn nộ của các đồng minh ở cựu lục địa, đồng thời khiến sự việc tạm thời lắng xuống. Nhưng đến lúc này, một vòng quay mới trở lại, khi câu chuyện được chứng thực nhờ báo giới.

Từ nước Nga - nơi vừa cấp cho anh quyền lưu trú vô thời hạn, E.Xnâu-đơn "đổ thêm dầu vào lửa", khi đòi hỏi đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) thừa nhận trách nhiệm (bởi ở thời điểm đó, ông là Phó Tổng thống của ông B.Ô-ba-ma). Một đòn nặng nề giáng vào kế hoạch cải thiện mối quan hệ với châu Âu của người đứng đầu nước Mỹ hiện tại - vốn đã trở nên lạnh nhạt suốt bốn năm cựu Tổng thống Ðô-nan Trăm (Donald Trump) nắm quyền.

Ðể vãn hồi tình bằng hữu truyền thống, ông chủ Nhà trắng hiện tại cũng như Bộ trưởng Ngoại giao A.Blin-ken (Anthony Blinken) của mình sẽ phải làm được ít nhất là như chính quyền năm 2013: Bằng cách nào đó, thuyết phục nước Pháp và nước Ðức rằng việc không nhắc đến câu chuyện sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc xới nó lên công khai trước "bàn dân thiên hạ". Nghĩa là, nói ngắn gọn, nước Mỹ có thể sẽ phải thỏa hiệp nhiều hơn.

Nhưng không chỉ vậy. Về mặt đối ngoại, khi cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) còn đang gấp rút được chuẩn bị, câu chuyện này sẽ khiến Tổng thống Mỹ "khó ăn khó nói", nhất là khi chương trình hội đàm dự kiến bao gồm cả vấn đề "nhân quyền".

Và về mặt đối nội, những người phản đối đảng Dân chủ hoặc ủng hộ các quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ Ðô-nan Trăm cũng sẽ có lý do để lên tiếng công kích Nhà trắng. Dù thế nào, sự vụ này cũng khiến nước Mỹ "mất thể diện". Và thực tế, trong nhiệm kỳ của mình, Ðô-nan Trăm cũng từng cân nhắc việc xá miễn cho Xnâu-đơn - người bị chính quyền Ô-ba-ma xem là kẻ phản quốc.

Cuối cùng, sau tất cả, câu hỏi đặt ra là Liên hiệp châu Âu (EU) liệu có thêm động lực, để cải tổ cách thức hoạt động của mình một cách triệt để, từ công tác tình báo đến việc kiến tạo một vị thế càng ngày càng độc lập với nước Mỹ - như điều đã manh nha diễn ra trong thực tế - hay không!?

VÕ HOÀNG