Ánh sáng cuối đường hầm

Quỹ thời gian đã thật sự đi tới gần điểm cạn kiệt, và đúng như dự đoán của giới quan sát quốc tế, đến lúc này, những động thái nhượng bộ mới bắt đầu có dấu hiệu được hé lộ. Đã có thêm những quân bài được hạ xuống, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

"Chúng tôi hiểu rằng các cuộc đàm phán đang đi đúng hướng, nhờ các sáng kiến được Iran đưa ra"-ngày 11/1/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định, khi trả lời phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình Al Jazeera. Theo ông, những sáng kiến đó giúp các bên còn lại đạt được một thỏa thuận tốt với Iran nếu họ có thiện chí và ý định nghiêm túc, đồng thời ông cũng mô tả: "Một thỏa thuận tốt là thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên".

Bốn ngày trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp-ông Jean Yves Le Drian-cũng hé lộ: Vòng đàm phán thứ tám nhằm hồi sinh JCPOA đã có "đôi chút tiến triển", khi các bên đều "đang đi theo hướng tích cực". Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng: Thời gian là yếu tố cốt lõi, bởi nếu các bên không nhanh chóng đạt được thỏa thuận thì "sẽ không có gì để đàm phán".

Hiển nhiên, những diễn biến mới nhất này rất khác biệt so tình trạng bế tắc đã kéo dài suốt những vòng đàm phán diễn ra trước đây. Ít nhất, dường như cũng đã bắt đầu xuất hiện những điểm thỏa hiệp chung mà cả hai phía đều có thể chấp nhận.

Vấn đề là, đến ngày 11/1, Tehran vẫn chưa nhận thấy "ý chí nghiêm túc" từ Mỹ và ba cường quốc châu Âu (Anh, Pháp và Đức-các thành viên của nhóm P5+1 tham gia ký kết JCPOA hồi năm 2015, bên cạnh Mỹ, Nga và Trung Quốc). "Ý chí nghiêm túc" này dường như vẫn liên hệ mật thiết với hai yếu tố: Tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt cho Iran phải được dỡ bỏ, và Mỹ phải đưa ra các bảo đảm rằng họ sẽ không rút ra khỏi JCPOA một lần nữa, như năm 2018.

Trong ngôn ngữ ngoại giao, thực ra, vế đòi hỏi thứ hai đã là một bước tiến triển rất lớn. Đến trước vòng đàm phán này, bởi những gì đã thực hiện trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ không còn là thành viên tham gia JCPOA, họ cũng không có vị thế đàm phán chính thức với Iran, mà chỉ có thể tham dự gián tiếp. Nhưng, với những gì Tehran vừa tuyên bố, xem như một khe cửa hẹp đã hé mở cho Washington.

Thêm vào đó, trong một diễn biến khác, ngay trong quãng đầu năm mới (ngày 3/1/2022), năm cường quốc hạt nhân-cũng là năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và cũng là những quốc gia JCPOA-vừa ra một tuyên bố chung, theo đó họ bày tỏ "tin tưởng mạnh mẽ rằng: Cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa các loại vũ khí hạt nhân", bởi "không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và "cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra".

JCPOA được ra đời với vai trò đầu tiên là công cụ ngăn chặn một nguy cơ như thế. Vậy nên, nó cần phải được hồi sinh, cũng nhằm phục vụ mục đích ấy.

Theo Bộ Ngoại giao Iran, từ ngày 8/1, đã có một hội nghị được tổ chức ở cấp độ người đứng đầu các đoàn đàm phán, song song với các tiếp xúc song phương cũng như đa phương, nhằm tìm cách gỡ bỏ các lệnh trừng phạt-cấm vận mà nước Mỹ áp đặt lên Iran, để Iran có thể được hưởng lợi từ việc bỏ trừng phạt một cách có hiệu quả, thực tế và có thể kiểm chứng.

Bên cạnh đó, theo hãng tin Tasnim, vấn đề kỹ thuật trên bàn đàm phán Vienna là cơ chế bảo đảm việc các bên hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận tiềm năng.

Nghĩa là, thực tế, các nhà ngoại giao hai phía đã nhìn tới và chuẩn bị cho cả giai đoạn mà tiến trình đàm phán khép lại với kết quả tích cực. Tâm thế ấy, đương nhiên, sẽ quyết định rất nhiều những diễn biến sắp tới, thay vì tình trạng "không lùi một bước" ở quá khứ gần.