Afghanistan trước những lựa chọn

Ngày 31/8, vài giờ sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan trên chiếc máy bay vận tải C-47 cất cánh từ sân bay quốc tế Kabul, người phát ngôn của phong trào Taliban - Zabihullah Mujahid - tuyên bố: “Chúng tôi muốn có những mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và thế giới". Song, liệu Taliban đã sẵn sàng đáp ứng các điều kiện đang dần được đặt ra?

Ngay trong ngày 31/8, từ Qatar, Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Heiko Maas gợi mở: "Nếu tình hình chính trị và điều kiện an ninh cho phép, Ðức vẫn muốn mở lại Ðại sứ quán của mình ở Kabul".

Nhưng, thật ra, trước nước Ðức, từ ngày 29/8, Anh và Pháp cũng đã đề cập tương đối rõ đến các điều kiện cho việc công nhận tính chính danh của Taliban, khi cường quốc lãnh đạo thế giới phương Tây là Mỹ còn đang bận rộn với những cuộc triệt thoái và di tản.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: Ðể được thừa nhận là những người nắm quyền kiểm soát tại Afghanistan, Taliban cần phải đáp ứng các điều kiện về quyền lợi cho người dân, bằng cách cho phép những người đủ điều kiện xin tị nạn có thể rời khỏi đất nước, cũng như tôn trọng quyền và phẩm giá của phụ nữ Afghanistan. Ông cũng yêu cầu Taliban phải "có ranh giới rõ ràng" chống lại tất cả các phong trào khủng bố.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn PA, Thủ tướng Anh Boris Johnson còn tỏ ra cứng rắn: "Cũng như các đồng minh của chúng tôi ở Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới, chúng tôi sẽ can dự với Taliban không dựa trên lời nói mà căn cứ vào hành động của họ".

Phương Tây thừa hiểu: Taliban cần sự thừa nhận chính thức của cộng đồng quốc tế như thế nào. Trong thế giới phẳng hiện tại, với cả xu hướng toàn cầu hóa kinh tế lẫn những nguy cơ chung đe dọa toàn nhân loại, mà tiêu biểu là tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu cùng đại dịch Covid-19, không quốc gia nào đủ sức tự khu biệt mình. Chính vì vậy, ngay khi những binh sĩ cuối cùng đã rời khỏi “vũng lầy 20 năm”, các công cụ ngoại giao được kích hoạt, và áp lực cũng bắt đầu hình thành quanh lực lượng vừa tuyên bố giành chiến thắng ở Afghanistan.

Tiến vào Kabul, làm chủ Phủ Tổng thống, nhưng dường như bây giờ sẽ là một “cuộc chiến mới” tiềm ẩn nhiều thách thức gấp bội, trước mắt Taliban. Họ sẽ vừa phải cố gắng bảo vệ được thành quả mới giành lại, vừa chứng minh rằng mình xứng đáng được xem là những chủ nhân đích thực của đất nước - bằng cách bảo đảm cuộc sống cho người dân. Và hơn thế, họ vẫn sẽ phải hóa giải những mâu thuẫn tồn tại.

Ðã có khá nhiều cố gắng từ phía Taliban, nhằm chứng tỏ rằng họ đã thật sự thay đổi so với 20 năm trước. Ðã có những người phụ nữ được xuất hiện trên truyền hình, và người dân cũng đã được đề nghị đi làm trở lại. Song, thực tế cho thấy vẫn còn không ít sự ngờ vực.

Ðể “rã băng” khoảng 10 tỷ USD quốc khố đang bị phong tỏa tại các ngân hàng nước ngoài, để thiết lập lại các mối liên hệ phát triển kinh tế, để tái thiết một đất nước đã bị tàn phá quá nặng nề, và cả để đón những chuyến hàng viện trợ y tế thiết yếu nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19, Taliban có lẽ sẽ tiếp tục có những thay đổi. Nhưng thay đổi đến đâu, sự thay đổi đó có đáp ứng điều kiện mà phương Tây đặt ra hay không? Phải thêm một thời gian nữa chúng ta mới có câu trả lời.