"Kỷ lục" của những bất an

Một cuộc "chạy đua vũ trang" mới xem như đã chính thức hiện hữu trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển, một lần nữa, mức đầu tư cho các công cụ chiến tranh của thế giới lại thiết lập kỷ lục-thứ kỷ lục thật đáng sợ.

Ngày 25/4, theo AFP, bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, năm 2021, các nước trên thế giới vẫn tăng cường củng cố năng lực quốc phòng, trong đó chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 0,7%.

Diego Lopes da Silva, chuyên gia cấp cao của SIPRI, nhận xét: "Năm 2021 là năm thứ bảy liên tiếp chi tiêu quân sự gia tăng, đạt 2,1 nghìn tỷ USD. Đây là con số cao nhất mà chúng tôi từng ghi nhận".

Theo bản báo cáo này, hai quốc gia "bạo tay" nhất trong việc tăng cường năng lực quốc phòng vẫn không thay đổi: Nước Mỹ vẫn chiếm 38% tổng ngân sách chi tiêu quân sự toàn cầu, và ở vị trí thứ hai sau họ là Trung Quốc với 14%.

Tuy nhiên, nước Anh đã nhảy từ vị trí thứ sáu lên vị trí thứ tư, với 68,4 tỷ USD trong năm 2021. Cùng đó, Ấn Độ chi tới 76,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng 0,9% so năm 2020 và 33% so năm 2012, vươn lên vị trí thứ ba. Và nước Nga cũng tăng chi tiêu quốc phòng năm thứ ba liên tiếp lên mức 65,9 tỷ USD (tức là tăng 2,9%). Có điều, chi tiêu quốc phòng của Nga chiếm 4,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so mức trung bình của thế giới.

Không khó để giải thích nguyên nhân của tiến trình "vũ trang hóa" mạnh mẽ này. Thật ra, vào năm ngoái, SIPRI cũng đã phải xác nhận một cách khá "sửng sốt" rằng bất chấp các hệ lụy của đại dịch Covid-19, mức tổng chi phí quân sự toàn cầu là 1.980 tỷ USD, tăng 2,6% so năm 2019, cho dù giới phân tích tiên liệu rằng con số này sẽ buộc phải giảm.

Năm nay, thực tế, mức chi tiêu quân sự của nước Mỹ cũng đã giảm 1,4%. Song, điều đó lại xuất phát từ việc Washington chú trọng vào nghiên cứu và phát triển (tăng 24% trong 10 năm qua), chứ không (hoặc chưa) phải tái trang bị vũ khí (giảm 6,4%). Còn ở những khía cạnh khác, việc nước Mỹ vẫn duy trì "vị trí số 1" cũng ăn khớp với tâm trạng chung của mọi cường quốc. Tất cả đều muốn chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, nếu xung đột quân sự nổ ra, trong bối cảnh các diễn biến thời cuộc đã trở nên quá khó lường.

Đơn cử, khi căng thẳng gia tăng ở châu Âu, nhiều quốc gia NATO đã vội tăng cường mua sắm vũ khí. Năm ngoái, tám quốc gia châu Âu thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng-mức đóng góp mà nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đã phải "hết hơi khản cổ" kêu gọi, kể cả bằng những phương thức gây sức ép, nhưng vẫn không đạt hiệu quả.

Và điều đáng sợ nhất vẫn còn ở phía trước, bởi tâm lý "muốn có hòa bình, cần phải chuẩn bị cho chiến tranh" đã lại trùm phủ lên mọi điểm nóng quốc tế.

Chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga thực hiện tại Ukraine đã bước sang tháng thứ ba, dẫn đến rất nhiều phản ứng dây chuyền, đủ sức làm các guồng máy quân sự-quốc phòng vận hành gấp gáp hơn gấp bội. Thí dụ, theo dự thảo ngân sách công bố ngày 14/3, nước Đức sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục, trong năm 2022 này (với một "quỹ đặc biệt nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang trị giá 100 tỷ euro). Theo các chuyên gia của SIPRI, tình hình hiện tại sẽ chỉ khiến xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trở nên mạnh mẽ hơn, từ cả hai phía Nga-NATO.

Trong khi đó, ở rất nhiều khu vực khác như châu Á-Thái Bình Dương hay Trung Đông, còn tồn tại không ít những mâu thuẫn chồng chéo về lợi ích mà chưa thể có giải pháp chính trị. Hệ quả tất yếu, theo những thông lệ, sức mạnh răn đe về quân sự chắc chắn sẽ tiếp tục được chú trọng củng cố, nhằm tạo nên ưu thế.

Và điều đó có nghĩa là gì? Là việc kỷ lục mới này hoàn toàn có thể bị xô đổ trong năm tới, với những khoản ngân sách khổng lồ không được chi cho hợp tác, phát triển và hòa bình…