Sự điều chỉnh cần thiết

Những ngày lễ rằm tháng Bảy năm nay đã qua nhưng thực tế có những điều đáng để ngẫm. Và từ ngẫm để thấy có nét mới rất đáng duy trì không chỉ trong những mùa rằm tháng Bảy sau mà cả ở các dịp lễ lạt vốn thường xuyên có trong năm.
0:00 / 0:00
0:00

Thật đơn giản để nói về thực tế này, đó chính là sự nhẹ nhàng, giản dị, tiết kiệm. Có thể thấy, trong một số hoạt động lễ bái, tổ chức gặp gỡ… ở các điểm thờ tự, các gia đình với những nghi thức cúng chúng sinh, tổ chức những bữa ăn sum họp gia đình…, nhìn chung diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, với quy mô vừa phải, nhỏ gọn, hướng nhiều hơn đến sự gần gũi, thân tình. Nhớ lại những năm trước, những dịp lễ rằm tháng Bảy âm lịch lại kéo theo nỗi lo về nguy cơ hỏa hoạn do việc đốt nhiều vàng mã, lo về ô nhiễm môi trường do việc đốt vàng mã bừa bãi, thiếu phương tiện che chắn. Cùng với đó là lo lắng về sự tốn kém, lãng phí, phô trương, được tổ chức rầm rộ, linh đình với nhiều hình thức trang hoàng có phần sặc sỡ, diêm dúa, sử dụng nhiều vật chất, đương nhiên những việc làm đó đều gây tốn kém tiền của và sức người thực hiện. Ngay với nhiều gia đình, cũng từng có tình trạng mua sắm nhiều vàng mã, đồ lễ để bày biện, cúng khấn rồi đốt, hoặc bỏ đi. Nhiều dịp lễ khác trong năm theo truyền thống, những biểu hiện tốn kém, phô trương và nguy cơ hỏa hoạn, ô nhiễm cũng được nhìn thấy.

Thực tế vừa rồi, có thể đến từ nhiều lý do. Từ điều kiện kinh tế của tổ chức, gia đình suy giảm nên làm gì cũng cần tiết kiệm. Từ những khuyến cáo của các cơ quan chức năng về tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng và thông tin về những vụ hỏa hoạn liên tiếp gần đây. Từ sự thay đổi dần quan niệm của người dân trong việc lễ, trong các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo hướng đi vào thực chất, thiết thực hơn, con người hướng đến nhau nhiều hơn thông qua sự gặp gỡ, giao tiếp.

Những lý do như thế, rất cần sự tìm hiểu của các nhà nghiên cứu xã hội, văn hóa, các nhà quản lý địa phương, cơ quan chức năng về quản lý văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng… Để từ đây nhận ra thay đổi tích cực và có hướng tuyên truyền, điều chỉnh, vận động người dân, các cơ sở thờ tự phát huy tinh thần giản dị, tiết kiệm, nhẹ nhàng khi thực hành các nghi thức tâm linh vào các dịp lễ, Tết, hội hè của địa phương.

Duy trì các phong tục, tập quán nhân văn, tốt đẹp là truyền thống lâu đời của dân tộc. Và chính sự giản dị, tiết kiệm, vừa phải, biết dừng, biết đủ, cũng là những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, thực hành nghi lễ của người dân ta.