Cát biển tại châu thổ Cửu Long

Sự đánh đổi cần phải được cân nhắc

Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thử nghiệm sử dụng cát biển cho thi công dự án đường cao tốc và các dự án hạ tầng giao thông khác tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ ngăn chặn quá trình kiến tạo của châu thổ Cửu Long và gây gia tăng sạt lở bờ biển.
0:00 / 0:00
0:00
Sự đánh đổi cần phải được cân nhắc

-Thưa ông, nhiều người thấy xa lạ khi nghe nói về "cát biển" ở đồng bằng sông Cửu Long?

- Trong 6.000 năm qua, nhờ bùn và cát sông Mê Công tải về bồi đắp mà bờ biển đồng bằng sông Cửu Long tiến dần ra hướng Biển Đông được 250km, tạo nên hình hài vùng đất ngày nay. Tốc độ bồi đắp là khoảng 16m/năm theo hướng Biển Đông và 26m/năm theo hướng Mũi Cà Mau. Trong quá trình bồi đắp đó, cát luôn đi trước lót nền ở bên dưới, tạo thành những giồng cát ngầm lấn ra phía biển trước rồi sau đó phù sa bồi đắp dần lên.

Thực chất "cát biển" ở đồng bằng sông Cửu Long có nguồn gốc từ sông Mê Công mang ra biển và bờ biển, chứ biển ở đây không tự tạo ra cát. Do đó, cát biển tập trung nhiều ở vùng các cửa sông Cửu Long.

Trong các tháng đầu mùa lũ, dòng chảy sông Mê Công mạnh, mang bùn và cát từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long. Một số bùn theo nước lũ vào ruộng vườn bồi đắp và bồi bổ đất đai, còn lại phần lớn được sông mang ra biển. Cát là vật liệu nặng nên không vào ruộng vườn mà ở lại dưới đáy sông, hình thành những "mỏ cát" và một số theo dòng nước lũ trôi ra vùng cửa sông tiếp giáp với biển. Sông chảy mạnh nhưng ra gặp biển thì vận tốc bị triệt tiêu nên tất cả bùn, cát đều lắng đọng ở vùng cửa sông. Sang đến mùa khô, khi gió mùa đông bắc và dòng biển chảy theo hướng bắc-nam thì bùn cát tạm lắng đọng ở vùng cửa sông được sóng gió khuấy động lên và tái phân phối lại dọc theo bờ biển về hướng nam.

Khi bùn cát được khuấy động và tái phân phối như vậy, thì bùn nhẹ hơn được nước biển chuyển đi xa hơn để bồi đắp cho Bạc Liêu, Cà Mau, vòng qua Mũi Cà Mau sang Biển Tây. Cát do nặng nên không đi xa mà ở lại vùng cửa sông Cửu Long. Vì vậy, trong tổng chiều dài 737km bờ biển từ Soài Rạp tới Hà Tiên thì có 250km bờ biển vùng cửa sông từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, tới một phần Sóc Trăng toàn là cát. Từ Bạc Liêu xuống Mũi Cà Mau và qua Biển Tây thì bờ biển là bùn. Trong quá trình di chuyển, cát hạt to chất lượng tốt lắng đọng ở thượng nguồn, cát càng đi xa hơn về bên dưới là cát hạt nhỏ, mịn hơn và có pha bùn, chỉ có thể dùng san lấp chứ không làm vữa hay trộn bê-tông được.

Sự đánh đổi cần phải được cân nhắc ảnh 1
Xáng cạp khai thác cát trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh

Long và TP Cần Thơ. Ảnh: TN

- Nhiều ý kiến cho rằng, đang có sự mất cân bằng khá nghiêm trọng về "ngân hàng cát" ở châu thổ Cửu Long?

- Khái niệm "ngân hàng cát" (sand budget) là của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) đưa ra. Nếu dùng theo tiếng Việt là "tài khoản cát" sẽ dễ hiểu hơn. Đối với "tài khoản cát" đồng bằng sông Cửu Long thì "thu nhập" là lượng cát từ thượng nguồn tải về đồng bằng theo nước lũ hằng năm và "chi tiêu" là lượng cát khai thác.

Trong tình hình hiện nay, tương lai cát sẽ hoàn toàn không còn về đồng bằng sông Cửu Long từ thượng nguồn nữa. Tức là nguồn "thu nhập" sẽ mất hẳn. Cát là vật liệu nặng di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển được trong ba tháng 7, 8, 9 đầu mùa lũ của các năm có lũ. Trong ba tháng đó, cát di chuyển về hướng hạ lưu được khoảng 200km, đến khoảng tháng 10 thì dừng lại chờ mùa lũ năm sau đi tiếp. Với tốc độ khoảng 200km/năm, để đi được hành trình hơn 4.000km từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long thì phải mất vài chục năm. Khi có đập thủy điện chắn ngang sông thì cát không có cách nào vượt qua được để di chuyển về hạ lưu. Trong những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long vẫn nhận được một số cát trôi về theo mùa lũ chính là lượng cát đã "khởi hành" từ mấy chục năm về trước, vượt qua vị trí các con đập hiện nay, và đang tiếp tục hành trình đi xuống. Thời gian gần đây, cát ngày càng khan hiếm ở đồng bằng vì lượng "chi tiêu" (khai thác) vượt xa "thu nhập". Trong tương lai, "tài khoản cát" đồng bằng sẽ càng thâm hụt nghiêm trọng vì mất hoàn toàn nguồn "thu nhập".

- Từ lâu tình trạng khai thác cát quá mức đã làm gia tăng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Nay thiếu cát làm đường cao tốc, việc lấy cát biển liệu có gây hệ lụy gì cho đồng bằng sông Cửu Long không, thưa ông?

- Làm đường cao tốc là rất quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long. Cải thiện điều kiện giao thông vận tải sẽ tháo gỡ được nút thắt cổ chai quan trọng nhất của nền kinh tế đồng bằng, giúp vùng đất này "cất cánh".

Thế nhưng, hiện nay chúng ta bị rơi vào thế khó vì thiếu cát san lấp để làm nền đường, vật liệu thay thế lại chưa có, lượng cát sông ngày càng cạn kiệt, cát từ thượng nguồn rồi sẽ không còn về nữa. Việc lấy cát sông mang ra biển, mà hay được gọi là "cát biển" sẽ làm ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng và sẽ đảo chiều quá trình kiến tạo, tức là gia tăng sạt lở bờ biển. Đây là "sự đánh đổi" cần phải được cân nhắc hết sức cẩn thận.

- Theo ông, cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng khan hiếm và có thể khai thác cát bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long?

- Cát từ đồng bằng sông Cửu Long được cung cấp cho nội vùng, cho TP Hồ Chí Minh, và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Có một điều lạ là nếu lấy tổng số cát được cấp phép khai thác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chia cho nhu cầu của vùng thị trường tiêu thụ cát đồng bằng thì chỉ đáp ứng khoảng 15-20%. Như vậy có thể suy ra có một lượng rất lớn "trong bóng tối" vẫn đáp ứng nhu cầu thị trường bấy lâu nay một cách rất không minh bạch. Về lâu dài, cần hiểu rằng càng khai thác cát, dù là có phép hay trái phép, đều tỷ lệ thuận với lượng gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Trước viễn cảnh cát sông Mê Công không còn về đồng bằng sông Cửu Long nữa thì cần phải nghĩ đến việc tiết kiệm lượng cát hiện có. Đồng thời, cần phải nghĩ đến việc áp dụng nguyên tắc "cân bằng đào đắp" cho các công trình giao thông và các vùng đô thị mới. Cân bằng đào đắp có nghĩa là khi làm đường thì có thể đào kênh ở một hoặc hai bên, song song với tuyến đường và dùng chính đất đào đó, đầm nén lại, để san lấp nền đường, giảm được lượng cát cần dùng cho san lấp.

Đối với các vùng đô thị mới, nguyên tắc "cân bằng đào đắp" nghĩa là đào một hệ thống kênh mương, ao hồ trong nội ô, đô thị và dùng chính lượng đất đào lên đó để san lấp, làm nền cho đô thị. Kênh mương, ao hồ trong nội ô, đô thị sẽ tạo cảnh quan độc đáo, đặc thù sông nước cũng như giúp thoát nước rất tốt, điều hòa nhiệt độ làm mát mẻ đô thị và nếu được giữ gìn sạch sẽ thì có thể dùng cho nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, du lịch...

- Trân trọng cảm ơn Thạc sĩ!