Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp lần hai

Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa vừa phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trong vòng năm tuần qua.

Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng đang diễn ra tại Sri Lanka. Ảnh: THE CONVERSATION
Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng đang diễn ra tại Sri Lanka. Ảnh: THE CONVERSATION

Tuy nhiên, lần này ông Rajapaksa trao nhiều quyền hạn cho các lực lượng an ninh nhằm đối phó làn sóng biểu tình chống chính phủ đang dâng cao, khiến Sri Lanka rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Biểu tình và đình công trên diện rộng

Hàng nghìn cửa hàng, trường học và doanh nghiệp ở nhiều thành phố của Sri Lanka đã buộc phải đóng cửa ngày 6/5 do nhân viên thuộc lĩnh vực công và tư nhân đình công, gia tăng sức ép lên chính phủ trong bối cảnh đảo quốc Ấn Độ Dương đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Tại thủ đô Colombo, ga tàu chính đóng cửa vào buổi sáng và chỉ có xe bus công cộng hoạt động ở các bến gần trung tâm thành phố. Tại nhiều địa phương khác, các nhà vận hành xe bus tư nhân và tàu hỏa cùng tham gia đình công gây tắc nghẽn đường phố. Nhân viên ngành y tế cũng tham gia cuộc đình công này, song dịch vụ cấp cứu vẫn được bảo đảm.

Trước đó, Bộ Tài chính Sri Lanka thông báo, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá dầu tăng cao cùng với chính sách thuế do Chính phủ của Tổng thống Rajapaksa thúc đẩy, Sri Lanka hiện chỉ còn chưa đầy 50 triệu USD dự trữ ngoại tệ có thể sử dụng. Trong khi đó, tình trạng thiếu lương thực, xăng, dầu và thuốc men đã làm bùng phát làn sóng biểu tình trên khắp Sri Lanka trong vòng một tháng qua.

Trước tình trạng bất ổn nêu trên, Tổng thống Rajapaksa đã áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ hai nhằm bảo đảm an ninh xã hội và trật tự công cộng. Người phát ngôn Chính phủ Sri Lanka nêu rõ: “Tổng thống Rajapaksa sử dụng quyền hành pháp của mình để áp dụng những quy định khẩn cấp nhằm bảo đảm duy trì các dịch vụ thiết yếu và trật tự công cộng”. Lệnh tình trạng khẩn cấp trao cho lực lượng an ninh Sri Lanka nhiều quyền hạn để bắt và giam giữ các nghi phạm trong thời gian dài mà không cần sự giám sát của cơ quan tư pháp, đồng thời cho phép triển khai quân đội hỗ trợ cảnh sát duy trì luật pháp và trật tự.

Cảnh sát lập tức áp dụng quyền hạn này với việc sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông sinh viên tìm cách xông vào tòa nhà Quốc hội đòi Tổng thống Rajapaksa từ chức. Tổng thống Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu vào hôm 1/4, một ngày sau khi hàng nghìn người biểu tình tìm cách xông vào tư dinh của ông ở Thủ đô Colombo.

Khủng hoảng tài chính nghiêm trọng

Khủng hoảng tài chính ở Sri Lanka trở nên nghiêm trọng hơn khi đại dịch Covid-19 làm giảm thu nhập từ du lịch và nguồn kiều hối. Chính phủ Sri Lanka tuyên bố ngừng trả nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD và đang thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một khoản vay khẩn cấp nhằm giải quyết tình hình. Do không thể thanh toán tiền nhập khẩu nhiên liệu nên các công ty thường xuyên chịu cảnh cắt điện, người dân phải xếp hàng dài để mua dầu diesel, xăng và dầu hỏa. Các bệnh viện cũng thiếu các nguồn thuốc cơ bản.

Phát biểu ý kiến tại Quốc hội Sri Lanka, Bộ trưởng Tài chính Ali Sabri nêu rõ, lượng ngoại tệ dự trữ 50 triệu USD dù rất ít ỏi nhưng cực kỳ cần thiết để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu nhằm duy trì nền kinh tế đất nước, vốn phụ thuộc phần lớn vào hàng hóa nhập khẩu. Bộ trưởng Sabri cảnh báo khả năng sắp xảy ra khủng hoảng tiền mặt tại đảo quốc Ấn Độ Dương này.

Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka còn khoảng 1,7 tỷ USD, nhưng phần lớn trong đó là khoản hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc và không thể dùng để nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác. Sri Lanka cũng đang đối mặt tình trạng thiếu dầu diesel khi công ty nhà nước Ceylon Petroleum Corporation chỉ cung cấp được 1.000-1.500 tấn/ngày, quá ít so nhu cầu tiêu thụ 4.000 tấn dầu diesel/ngày. Sri Lanka rơi vào tình trạng thiếu dầu diesel từ tháng 2 vừa qua, buộc nước này phải cắt điện nhiều giờ mỗi ngày.

Trong hoàn cảnh khó khăn này, Sri Lanka đã phải “cầu cứu” IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ấn Độ với mục đích tìm kiếm ba tỷ USD trong những tháng tới. Một phái đoàn Sri Lanka, do Bộ trưởng Tài chính Sabry dẫn đầu, đã đến Thủ đô Washington của Mỹ để tiến hành đàm phán với IMF. Thể chế tài chính này bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay ở Sri Lanka và các tác động tiêu cực tới người dân nước này, đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, IMF đánh giá nợ công của Sri Lanka không bền vững, do đó nước này cần thực hiện các biện pháp khôi phục tính bền vững của nợ công trước khi nhận bất kỳ khoản vay nào của IMF.