TIẾN THẲNG VÀO
KỶ NGUYÊN “HẬU” AI
Báo chí hiện đại đã kinh qua bốn làn sóng chuyển đổi số, từ sự ra đời của báo điện tử, sự lên ngôi của dữ liệu và tòa soạn hội tụ, sự trỗi dậy của nội dung do người dùng tạo ra (User-Generated Content, viết tắt là UGC), và gần đây nhất là trí tuệ nhân tạo (AI). Điều gì sẽ định hình tương lai của báo chí trong thời kỳ “hậu” AI?
“Hậu” AI không có nghĩa là AI biến mất, mà là AI đã trở thành điều hiển nhiên. Và câu hỏi từng làm khó không ít lãnh đạo các cơ quan báo chí không còn là “có dùng AI hay không”, mà đã chuyển thành “con người đóng vai trò gì trong một thế giới đã có AI”.
SỰ RA ĐỜI CỦA BÁO ĐIỆN TỬ.
Những năm chuyển giao cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, sự lên ngôi của Internet đã biến đổi toàn diện hệ sinh thái báo chí, truyền thông toàn cầu. Từ năm 1994-1996, các tờ báo lớn như The New York Times, The Guardian, USA Today bắt đầu đưa nội dung lên website, chủ yếu là bản điện tử của báo in. Tiếp đó, các nền tảng như Facebook (2004), Twitter (2006) mở ra những kênh phân phối tin tức mới, nơi người dùng không chỉ tiếp nhận mà còn tham gia vào quá trình định hình dòng chảy thông tin.
Từ 2007 trở đi, báo chí quốc tế chuyển sang hướng tích hợp đa nền tảng (multimedia). Làn sóng thứ nhất này đã định hình những định nghĩa truyền thống về báo chí, thay đổi từ vai trò tới hoạt động tác nghiệp.
Tại Việt Nam, ngày 21/6/1998, Báo Nhân Dân điện tử - nhật báo chính thức đầu tiên được cấp phép “lên sóng” Internet tại Việt Nam, đã mở ra một kỷ nguyên báo chí trực tuyến sôi động. Dù giai đoạn này nội dung trên nền tảng số phần lớn vẫn theo mô thức báo in truyền thống, nhưng tinh thần đổi mới đã hình thành trong nhiều tòa soạn. Đây là giai đoạn định hình và thích nghi chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, từ đó đặt nền tảng cho chuyển đổi số sâu rộng trong tổ chức tòa soạn và quy trình tác nghiệp báo chí sau này.

BÁO CHÍ HỘI TỤ VÀ DỮ LIỆU LÊN NGÔI.
Những năm 2010-2018, làn sóng chuyển đổi số thứ hai của báo chí quốc tế bắt đầu hình thành trong lòng các tòa soạn
Báo chí không còn đơn thuần số hóa nội dung, mà chuyển sang một trạng thái vận hành mới - tích hợp công nghệ, dữ liệu và đa nền tảng vào cốt lõi quy trình tác nghiệp. Khái niệm tòa soạn hội tụ (convergence newsroom) trở thành mô hình lý tưởng cho chuyển đổi số báo chí toàn cầu. Theo cách lý giải của giáo sư Jeff Jarvis, Đại học New York (Hoa Kỳ), “tòa soạn hội tụ không chỉ là việc gom mọi phương tiện vào một chỗ, mà là sự tái cấu trúc tư duy báo chí”.
Đồng thời, báo chí dữ liệu (data journalism) bùng nổ sau sự kiện WikiLeaks và cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Không chỉ là biểu đồ hay con số, báo chí dữ liệu là cách báo chí sử dụng dữ liệu lớn để phân tích xã hội, giải thích sự kiện và mở ra những góc nhìn mới.
Tại Việt Nam, giai đoạn này là thời kỳ bản lề trong chuyển đổi nhận thức và tổ chức báo chí. Về báo chí dữ liệu, báo chí Việt Nam đã có những bước tiến thử nghiệm và một số thành công nhất định trong trực quan hóa thông tin. Khái niệm “tòa soạn hội tụ” bắt đầu được các cơ quan báo chí tiếp cận từ năm 2016, dù mức độ hội tụ chưa hoàn chỉnh, nhưng đây là tín hiệu cho thấy báo chí Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn tái cấu trúc để thích ứng môi trường số, định hình lại năng lực tổ chức và mở rộng tư duy về sản phẩm báo chí số.


CÁ NHÂN HÓA, AI VÀ UGC.
Giai đoạn 2018-2022 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành báo chí toàn cầu với ba xu hướng nổi bật: Cá nhân hóa trải nghiệm, ứng dụng AI trong sản xuất nội dung và sự bùng nổ của UGC.
Trên bình diện quốc tế, AI không chỉ hỗ trợ sản xuất tin tự động mà còn gợi ý chủ đề nội dung, kiểm duyệt và biên tập thông tin. Các UGC từ TikTok, Instagram đến các nền tảng podcast đã trở thành nguồn thông tin quan trọng, buộc các tòa soạn phải thay đổi cách tiếp cận, thiết lập những quy trình kiểm chứng và tích hợp UGC vào dòng chảy thông tin chính thống. Đồng thời, các mô hình đăng ký trả phí (subscription models) đã trở thành trụ cột doanh thu mới của nhiều tòa soạn lớn. Minh chứng là The New York Times đã vượt mốc 10 triệu người đăng ký trả phí vào năm 2022, biến đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh truyền thống phụ thuộc vào quảng cáo.
Tại Việt Nam, các tòa soạn đã bước đầu thí điểm ứng dụng AI ở mức cơ bản như tự động hóa quy trình biên tập, phân loại nội dung theo chủ đề và tối ưu hóa. Các UGC cũng được khai thác từ các chuyên mục bạn đọc viết và thu thập trên nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên nhìn chung các tòa soạn vẫn đang gặp khó khăn trong chuẩn hóa quy trình kiểm chứng. Về mô hình trả phí, một số tòa soạn đã thử nghiệm gói tin tức chuyên sâu, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận mô hình này một cách rộng rãi. Làn sóng thứ ba mở ra một thực tế mới: báo chí vừa phải linh hoạt thích nghi với người dùng số, vừa phải tìm cách giữ vững bản sắc và giá trị chuyên môn.

BÁO CHÍ “HẬU” AI VÀ THÁCH THỨC SINH TỒN.
Sự bùng nổ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) như: ChatGPT, Gemini, Claude… đưa báo chí toàn cầu bước vào kỷ nguyên “hậu” AI. Trong bối cảnh đó, báo chí quốc tế chuyển mình mạnh mẽ từ thử nghiệm sang tích hợp AI một cách chiến lược và có hệ thống. Theo Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA), AI không còn là lựa chọn tùy chọn mà trở thành yếu tố sống còn đối với các tòa soạn. Song song đó, cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch do AI tạo ra cũng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, việc tạo nội dung bằng AI trở thành chủ đề nóng với nhiều quan điểm trái ngược, trong khi đó ứng dụng vào thực tế lại khá thận trọng. Một số tòa soạn đã bắt đầu thử nghiệm công cụ AI để hỗ trợ biên tập, tóm tắt nội dung. Tuy nhiên, sự thiếu vắng khung pháp lý rõ ràng về sử dụng AI trong báo chí và lo ngại về chất lượng và đạo đức đã khiến nhiều đơn vị còn e dè.
Nhìn chung, qua ba làn sóng chuyển đổi số trước đó, báo chí hiện đại đã và đang thay đổi từ cả góc độ bị động và chủ động trên các bình diện: Số hóa tin tức, tư duy tổ chức tòa soạn, mô hình tài chính, thay đổi về kênh truyền tải, hình thức truyền tải và cấu trúc, thể thức nội dung, thay đổi căn bản các yếu tố cốt lõi của nhà báo như yêu cầu đa nhiệm, tiêu chuẩn và quy trình sản xuất tin tức. Ở làn sóng thứ tư, AI một lần nữa tác động căn bản tới toàn bộ hoạt động báo chí, khi nó vừa là công cụ hỗ trợ, vừa là thách thức trong tiếp biến công nghệ, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của hệ sinh thái báo chí, truyền thông toàn cầu.
BÁO CHÍ VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ?
Trong làn sóng thứ nhất, báo chí Việt Nam đã nhanh chóng đón đầu xu hướng số hóa, với sự phát triển của các trang báo điện tử ngay khi Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở các làn sóng tiếp theo, khi chuyển đổi số đi vào chiều sâu về quy trình, nhân sự và tác động sâu sắc tới tư duy thực hành báo chí, các tòa soạn Việt Nam có độ trễ nhất định. Dù vậy, điều này cũng mở ra cơ hội để báo chí Việt Nam có thể học hỏi từ những thành công và thất bại của đồng nghiệp quốc tế, tránh những “vết xe đổ” trong quá trình chuyển đổi. Và đặt ra vấn đề chuyển đổi số như thế nào để tiệm cận với xu hướng thế giới nhưng phù hợp nhất với đặc thù báo chí Việt Nam, chuyển từ “đi sau” thành “đồng hành” trên một lộ trình độc lập.
Đối với báo chí Việt Nam, đây vừa là thách thức lớn, vừa là cơ hội để “đi tắt đón đầu” tiến thẳng vào kỷ nguyên báo chí “hậu” AI. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi không chỉ sự thay đổi về công nghệ mà còn cả tư duy hệ thống, chiến lược phát triển và đào tạo nhân lực.
Và sau làn sóng “hậu” AI, tất nhiên sẽ còn nhiều xu hướng công nghệ tiếp theo có thể xuất hiện, chi phối sự phát triển của hệ sinh thái báo chí, truyền thông toàn cầu. Muốn thoát khỏi vị thế "đi sau một nhịp", chúng ta cần chủ động đón đầu cơ hội thông qua việc thiết kế giải pháp, lựa chọn và phát triển công nghệ mới phù hợp bối cảnh đặc thù của báo chí Việt Nam.
