Có những con người đi qua cuộc đời bằng âm nhạc, và cũng có những người để âm nhạc trở thành cách sống, cách yêu, cách tri ân quá khứ và kết nối với hiện tại. Nhạc sĩ Đức Trịnh là một chiến sĩ từng đi qua những năm tháng lửa đạn, một người thầy tận tụy, một tâm hồn nghệ sĩ luôn hướng trọn tình yêu về âm nhạc dân tộc.
Trong cuộc trò chuyện cùng Cà phê Nhân Dân, Nhà giáo ưu tú, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Đức Trịnh – hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – đã chia sẻ về hành trình từ người lính đến người nghệ sĩ, từ chiến trường đến những sân khấu lớn, và về niềm tin rằng mỗi giai điệu đẹp đều là một lời tri ân sâu sắc với Tổ quốc.

PV: Thưa Nhạc sĩ Đức Trịnh, nếu phải lựa chọn một biểu tượng hoặc một cụm từ để miêu tả hành trình âm nhạc của mình, ông sẽ chọn điều gì?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Cụm từ tôi chọn có lẽ là "chiến sĩ - nghệ sĩ". Bởi tôi vừa là người lính, vừa là nghệ sĩ. Trước đây, tôi từng mang đàn lên biên giới, rồi sau này học tập, giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ.
PV: Theo ông, điều lớn lao nhất mà âm nhạc mang lại cho mình là gì?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Ngoài việc có được một vài tác phẩm được công chúng yêu quý và tồn tại được hàng chục năm, điều khiến tôi cảm thấy tự hào nhất là đã góp phần đào tạo các lớp nhạc sĩ trẻ. Tôi thấy mình đã làm được điều gì đó để trả lại cho cuộc đời những gì cuộc đời đã ưu ái và ban tặng.
"Tôi vừa là người lính, vừa là nghệ sĩ!"
PV: Nhiều khán giả, trong đó có tôi, rất tò mò về hành trình từ một người lính trở thành nhạc sĩ và hiện nay là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hành trình đó như thế nào, thưa ông?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Có lẽ đó là một phần may mắn, một phần do nghề chọn người. Gia đình tôi không có ai theo âm nhạc. Nhưng từ nhỏ, bố tôi có quen biết với nhiều nhạc sĩ, nên năm tôi năm tuổi, ông đã gửi tôi sinh hoạt ở các nhà văn hóa. Từ đó, âm nhạc thấm vào tôi lúc nào không hay. Âm nhạc trở thành hơi thở, là nguồn sống không thể thiếu. Khi đi bộ đội, hành trình đó tạm gián đoạn. Năm 1974, tôi vừa bắt đầu vào Nhạc viện Hà Nội thì cũng nhập ngũ, đúng một năm trước ngày giải phóng miền Nam. Ở nhà, tôi học các lớp sơ cấp, trung tâm ngắn hạn. Đến năm 1974, tôi chính thức vào Nhạc viện. Nhưng rồi phải rời trường, ghi thêm một tuổi rưỡi để đủ điều kiện đi bộ đội vào miền Nam. Gác lại việc học khoảng mười năm, sau đó tôi tiếp tục vừa học vừa làm. Tôi cùng các bạn thành lập ban nhạc "Hoa Sữa" với những cái tên quen thuộc như Vũ Quang Trung, Ngọc Châu, Lương Minh, Tạ Ngọc Hưng, Minh Đạo... và đặc biệt là NSND Phạm Ngọc Khôi, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chúng tôi đồng hành với nhau hơn 40 năm, từ những ngày đầu của ban nhạc "Hoa Sữa".
PV: Hành trình âm nhạc của ông, theo ông, là một con đường êm ả hay đầy khó khăn và thử thách?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Khó khăn chứ! Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không còn cơ hội làm âm nhạc nữa. Khi bắt đầu theo âm nhạc, tôi đã phải đi chiến đấu ở miền Nam. Tôi nhập ngũ ngày 30/4/1974 và đúng một năm sau, ngày 30/4/1975, đất nước giải phóng. Hơn nửa thời gian tôi huấn luyện ở miền Bắc, sau đó vào Nam. Rồi đến thời kỳ xây dựng đất nước, chiến tranh biên giới, liên miên gần mười năm, khiến tôi nghĩ âm nhạc không còn gắn bó với mình được nữa. Khi ấy, tôi hoạt động văn nghệ trong quân đội một cách nghiệp dư. May mắn thay, tôi gặp NSND Lê Đóa, chỉ huy dàn nhạc. Ông nhìn thấy tiềm năng và xin cho tôi ra Hà Nội học. Lúc ấy tôi đang ở Quân khu 9, Cần Thơ. Được đi học, âm nhạc như quay lại với tôi. Tôi nhận ra rằng: có lẽ âm nhạc chọn mình. Muốn làm chuyên nghiệp, phải học hành nghiêm túc. Tôi học liên tục suốt hơn 10 năm, cả đại học và cao học, vừa học vừa làm. Thật ra, để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, người ta phải học 16-17 năm là bình thường.
PV: Vậy âm nhạc có làm thay đổi cách ông nhìn về chiến tranh và cuộc sống không?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Thay đổi rất nhiều. Âm nhạc giúp người lính lạc quan hơn. Trong những năm tháng hành quân gian khổ, tôi mang theo cây đàn. Tôi đã sáng tác, nhưng chưa thực sự có dấu ấn. Sau khi được học hành tử tế, tôi mới thực sự hiểu sâu sắc về âm nhạc. Cây đàn là người bạn đồng hành quý giá. Những lúc mất mát, đau thương, chỉ cần có âm nhạc vang lên, mọi người lại cảm thấy mạnh mẽ hơn. Giữa người lính và âm nhạc luôn có sự đồng hành. Trải nghiệm người lính giúp tôi viết những tác phẩm sâu sắc, giàu nhân ái, biết ơn những người đi trước đã hy sinh cho đất nước. Âm nhạc và người lính luôn hòa quyện trong tôi với sự trải nghiệm và tâm hồn trong sáng.


PV: Âm nhạc đã đồng hành với ông qua những năm tháng khói lửa và chiến tranh, mang lại cảm xúc khó quên. Gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử như 70 năm Chiến thắng Điện Biên, 50 năm Giải phóng miền Nam, và sắp tới là 80 năm Quốc khánh. Theo ông, âm nhạc đã mang những sự kiện đó đến gần khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, như thế nào?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Âm nhạc từ xưa đến nay luôn đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt trong những sự kiện trọng đại. Từ thời kháng chiến chống Pháp đã có "Cùng nhau đi Hồng binh", "Giải phóng Điện Biên" của Đỗ Nhuận, "Tiến về Thủ đô" của Văn Cao... Những tác phẩm này không chỉ cổ vũ tinh thần chiến đấu mà còn là biểu tượng văn hóa của cả một thời kỳ. Chẳng hạn, "Giải phóng Điện Biên" được sáng tác ngay trong ngày giải phóng, và "Trên đồi Him Lam", "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân...tất cả đều là những tác phẩm tiêu biểu đồng hành cùng chiến thắng. Đặc biệt, bài "Tiến về Thủ đô" của Văn Cao còn được sáng tác trước khi tiếp quản Thủ đô vài năm, cho thấy sự tiên đoán và niềm tin mãnh liệt.
Sau này, các ca khúc như "Chiếc gậy Trường Sơn", "Xe anh qua trong đêm Trường Sơn", "Tiến về Sài Gòn", "Bài ca thống nhất", "Đất nước trọn niềm vui"... tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ. Đến hiện tại, những sáng tác về biên giới, hải đảo cũng rất phong phú, phản ánh tinh thần bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Ngay trong năm nay, từ kỷ niệm 70 năm Điện Biên, 50 năm thống nhất đất nước đến 80 năm Quốc khánh, đều có những chương trình nghệ thuật quy mô. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức cuộc vận động sáng tác "Bài ca Điện Biên" và trao giải ngay tại chiến trường xưa. Nghệ sĩ cũng hành quân lên Điện Biên như một cách tái hiện tinh thần 56 ngày đêm lịch sử.
Tại TP.HCM, Hội Nhạc sĩ cùng Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình "Bài ca thống nhất" và trao giải cho 50 tác phẩm âm nhạc hay nhất từ năm 1975 đến nay. Những ca khúc như "Đất nước trọn niềm vui", "Giai điệu Tổ quốc", "Đất nước" của Phạm Minh Tuấn, "Đất nước lời ru" của Văn Thành Nho... vẫn sống mãi trong lòng công chúng.
Sắp tới, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, sẽ có nhiều hoạt động âm nhạc lớn, thậm chí là các liên hoan âm nhạc quốc tế viết về Việt Nam, với sự tham gia của nhiều dàn nhạc giao hưởng, nghệ sĩ trong và ngoài nước. Âm nhạc là cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ đi trước và thế hệ hôm nay.
PV: Vậy trong số rất nhiều tác phẩm về đất nước, có ca khúc nào khiến ông xúc động nhất khi sáng tác hoặc khi nghe lại không?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Có lẽ đó là ca khúc "Miền xa thẳm". Khi viết ca khúc này, tôi cảm thấy như không phải chính mình sáng tác, mà là hàng ngàn linh hồn liệt sĩ đã nhập vào để tôi viết nên từng giai điệu. Cả phần lời và nhạc được tôi hoàn thành trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Ngay trong đêm đó, từ 10 giờ tối đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau, tôi đã thu âm và phối khí xong toàn bộ. Tự tôi chơi nhạc cụ, thu thanh và thực hiện bản phối. Sáng hôm sau chỉ chỉnh sửa lại đôi chút.
Ca khúc này tôi viết sau chuyến thăm nghĩa trang Trường Sơn. Là một người lính từng đi qua chiến trường, tôi càng xúc động khi đứng trước hàng ngàn ngôi mộ chưa xác định danh tính, vẫn hiên ngang giữa đại ngàn. "Miền xa thẳm" chính là sự tri ân của tôi dành cho những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không những vậy, bài hát còn được viết cho một vở kịch chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, kể về sự hy sinh của người lính. Chính điều đó càng làm cho cảm xúc của tôi trở nên mãnh liệt và thiêng liêng hơn khi viết nên tác phẩm này.

PV: Ông có nghĩ rằng chính những trải nghiệm thời chiến đã khiến âm nhạc của ông mang màu sắc khác biệt?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Chắc chắn rồi. Tôi may mắn có được những trải nghiệm mà không phải ai cũng có: từng là người lính bộ binh thực thụ, chứ không chỉ là lính văn nghệ. Tôi đã hành quân hàng ngàn km, vác trên vai ba lô nặng hơn 30kg, vượt rừng sâu, đi bộ từ Tây Ninh, vòng qua Campuchia xuống tận Hà Tiên. Có những nơi không thể đi đường chính, chúng tôi phải nhờ bạn Campuchia dẫn đường qua những cánh đồng mênh mông hoang vắng. Tôi đã từng trực tiếp ra trận, cầm súng chiến đấu, canh gác suốt đêm bên thi thể đồng đội hy sinh. Những trải nghiệm ấy khiến tôi hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, của sự hy sinh, và vì thế, âm nhạc tôi viết ra luôn đầy ắp lòng biết ơn, nhân ái và trăn trở. Nhiều người không cần trải nghiệm như vậy nhưng vẫn yêu người lính, vẫn biết ơn. Nhưng với tôi, sự từng trải đã khắc sâu cảm xúc vào từng giai điệu.
PV: Trong vai trò Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông có nhận định gì về thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay? Họ đã mang đến điều gì mới cho nền âm nhạc nước nhà?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay rất tài năng. Nếu như cách đây một thập kỷ, họ còn có nhiều tư duy chưa thật đồng điệu với lớp đàn anh thì bây giờ, họ đã chứng minh được bản lĩnh và khả năng của mình. Rất nhiều bạn trẻ sáng tác những tác phẩm mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần dân tộc, đặc biệt là với đề tài chiến tranh cách mạng. Vừa qua, Ban Tuyên giáo và dân vận trung ương tổ chức trao giải báo chí, văn học nghệ thuật về đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Điều thú vị là các tác phẩm đoạt giải cao hầu hết là của những tác giả trẻ. Điều đó cho thấy các bạn không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có trách nhiệm và tình yêu lớn với Tổ quốc. Tôi từng chứng kiến nhiều nhạc sĩ trẻ chỉ cần một nét giai điệu dân ca đã có thể biến nó thành ca khúc chạm vào trái tim công chúng. Đó là một cách yêu nước rất riêng – không ồn ào, nhưng sâu sắc và đầy tính sáng tạo.
PV: Và nói cách khác, việc yêu Tổ quốc, yêu đất nước không chỉ thể hiện bằng những khẩu hiệu, mà có thể thể hiện bằng rất nhiều cách. Ai làm ở ngành nghề nào, ở vị trí nào, chúng ta cũng sẽ có cách yêu nước riêng. Vậy theo ông, giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại ngày nay, liệu có tồn tại một ranh giới rõ ràng nào hay không?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Hiện nay, tôi cảm thấy rất tự hào vì âm nhạc truyền thống đang được phát triển một cách hợp lý. Tất nhiên, vẫn chưa đạt đến mức lý tưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác cho nhạc khí. Nhưng những năm gần đây, các nghệ sĩ đã thực sự yêu mến và trân trọng chất dân gian, dân tộc của mình, đồng thời kết hợp với âm nhạc kinh điển – cụ thể là giao hưởng. Rất nhiều bản giao hưởng đã phát triển từ dân ca Việt Nam. Ví dụ, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có nhiều tác phẩm phát triển làn điệu chèo cho dàn nhạc giao hưởng. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng thực hiện màn đối thoại giữa đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng – một tiết mục được biểu diễn nhiều lần. Ngay cả trong chuyến đi Kazakhstan của Tổng Bí thư gần đây, những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân tộc của chúng ta cũng đã được biểu diễn. Một số ca khúc do các bạn trẻ sáng tác mang đậm chất dân gian nhưng vẫn hiện đại, khiến người nghe cảm thấy rất hấp dẫn. Dân gian giờ đây không còn bị ràng buộc bởi vùng miền cụ thể như Bắc Bộ, miền Trung, Nam Bộ hay Tây Nguyên. Chúng ta có 54 dân tộc anh em, và tất cả những chất liệu ấy hoàn toàn có thể hòa quyện với nhau. Có những nhạc sĩ rất tài năng, chỉ trong một ca khúc đã kết hợp được chất liệu của hai, ba dân tộc, tạo nên bản sắc riêng nhưng vẫn gợi cho người nghe liên tưởng đến những vùng miền cụ thể. Đó là sự phát triển lên một tầm cao mới, nơi dàn nhạc giao hưởng có thể chơi những chất liệu dân gian Việt Nam, kết hợp cùng nhạc cụ dân tộc. Đây là một trong những trào lưu đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong năm vừa qua, và tôi tin rằng trong thời gian tới, xu hướng này sẽ ngày càng được yêu thích.
PV: Và chúng ta còn thấy có sự kết hợp giữa những nghệ sĩ trẻ và các nghệ sĩ gạo cội, đúng không ạ?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Đúng vậy! Điều đó thực sự thú vị, không chỉ ở mảng dân gian mà cả trong giao hưởng. Ví dụ, ca sĩ trẻ Khánh Ly từng song ca bài "Miền xa thẳm" với NSND Quang Thọ – một sự kết hợp giữa hai thế hệ: một giọng ca trẻ trung, mềm mại và uyển chuyển; một giọng hát dày dạn, trầm hùng. Bản thu âm này hiện vẫn được lưu giữ trên mạng, và thực sự rất lý thú. Hay như NSND Thanh Hoa – người từng nổi tiếng với ca khúc "Đường tàu mùa xuân" – nay kết hợp cùng một nghệ sĩ trẻ, tạo nên một tiết mục vừa lạ, vừa hay. Tôi cho rằng đó là một xu hướng đẹp: vừa để nhớ lại những tác phẩm kinh điển, những trải nghiệm của các nghệ sĩ lớn tuổi, vừa kết hợp với sức sáng tạo và hơi thở mới từ các bạn trẻ. Đây là một cách chứng minh rằng những gì cũ kỹ vẫn có thể làm mới, vẫn hấp dẫn, vẫn hay, và vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc.

PV: Ông từng nói rằng: “Mỗi ca khúc hay sẽ là một dấu mốc của dân tộc.” Vậy ông kỳ vọng gì trong tương lai gần với những dấu mốc ấy?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Tôi kỳ vọng rằng sau này sẽ có những bản giao hưởng lớn mang đậm chất liệu âm nhạc dân tộc truyền thống để giới thiệu với thế giới. Khi tôi nói đến giao hưởng, đó là thể loại lớn, có thể bao gồm cả hát, opera... Không chỉ những nghệ sĩ lớn tuổi từng học hành bài bản yêu thích thể loại này, mà hiện nay các bạn trẻ cũng rất đam mê. Họ đã viết nhiều vở nhạc kịch – một hình thức nghệ thuật hàn lâm – để truyền tải thông điệp âm nhạc, đồng thời gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca của cha ông. Chúng ta cần đưa những giá trị đó lên một tầm cao hơn, hòa nhập với thế giới bằng chính những giai điệu ngọt ngào, bản sắc ấy. Vì sao các bản giao hưởng của Tchaikovsky vẫn sống mãi với thời gian? Vì trong đó chứa đựng chất dân gian Nga và những vùng lân cận. Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều tương tự, đưa âm nhạc Việt Nam – với giao hưởng và nhạc cụ dân tộc – đến với thế giới.
PV: Vậy nếu được gửi gắm điều gì đến các nhạc sĩ trẻ đang bối rối trên hành trình sáng tác để tìm dấu ấn riêng, ông sẽ nói gì?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Tôi muốn nhắn nhủ rằng: các bạn trẻ không nhất thiết phải học trong trường lớp chính quy, nhưng nhất định phải học – phải chiêm nghiệm, phải quan sát thế giới xung quanh và không ngừng tiếp thu cái mới. Hãy học cách kết hợp bản sắc riêng – gồm tinh thần, năng lực, trình độ và chất liệu âm nhạc truyền thống mà cha ông để lại – với các phương tiện biểu diễn hiện đại. Ngày nay, rất nhiều nhạc sĩ trẻ trên thế giới sử dụng dàn nhạc lớn để thể hiện âm nhạc dân gian của họ. Các bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự với chất liệu Việt Nam, bằng cách kết hợp trí tuệ, sáng tạo và tinh thần học hỏi. Âm nhạc chỉ có 7 nốt, nhưng từ đó có thể mở ra vô vàn hướng đi, phong cách và cảm xúc. Mỗi người hãy chọn cho mình một con đường riêng, có thể bắt đầu từ những khúc dân ca nhỏ bé, từ sự chiêm nghiệm, từ biến tấu chất liệu dân gian... kết hợp cùng âm nhạc đương đại để tạo nên dấu ấn của riêng mình.
PV: Rất cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của Nhạc sĩ Đức Trịnh – một người lính mang tâm hồn nghệ sĩ, và một nghệ sĩ mang trái tim của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Tôi xin cảm ơn những người tổ chức, ekip thực hiện chương trình và quý khán giả đã lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng đơn vị sản xuất cũng như cá nhân tôi.
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH - KHÁNH SƠN
Nội dung và trình bày: QUANG NGHĨA
Dẫn chương trình : HƯƠNG TRANG