“Đi Quốc hội” là cách gọi việc phóng viên theo dõi đưa tin mỗi năm hai kỳ họp. Thời gian đầu cứ bám chương trình làm việc mỗi phiên họp và căn cứ bản tin của Ban tổ chức, tòa soạn cứ thế mà đăng. Sau mới ngộ ra sự có mặt của phóng viên là... thừa, bởi các báo đưa na ná thế cả. Để ý cái mà bạn đọc quan tâm, còn nhiều thứ khác. Như chuyện bên lề, ngoài lề kỳ họp. “Ngoại” mà “nội”, đấy là hiệu ứng làm nên chất lượng hoạt động Quốc hội. Tất nhiên lộ trình ấy cũng phải khá công phu, nên tôi bèn xin Ban Biên tập cơi nới cho chút thời gian ở khâu nạp bài biên tập.

Sinh sắc cái giờ giải lao. Chả là Ban tổ chức có sáng kiến cho Công ty Phát hành sách Trung ương đưa sách vào phục vụ. Cạnh quầy sách là quầy bia hơi Hà Nội và nước chanh, cam. Chất lượng bia cũng vừa phải, được cái đậm ga nhiều bọt. Có cảm giác không khí thời đầu bập vào kinh tế thị trường của Thủ đô lan cả vào đây, nhưng không à uôm nhếch nhác mà thấy ấm áp. Như cảm giác thân gần về các đại biểu Quốc hội cũng như nhiều vị lãnh đạo. Phóng viên cứ việc trực sẵn ở quầy sách, quầy giải khát là thỏa mãn các cuộc gặp gỡ phỏng vấn. Hình ảnh, thông tin về Tổng Bí thư Đỗ Mười và nhiều vị lãnh đạo cởi mở trả lời phỏng vấn và cả chuyện các cụ chọn mua những sách gì, qua tường thuật của nhiều tờ báo dường như đã mang lại sinh khí này khác!

Nhà báo Xuân Ba (ngoài cùng bên phải) - cùng các đồng nghiệp phỏng vấn Tổng Bí thư Đỗ Mười bên hành lang Quốc hội.

Nhà báo Xuân Ba (ngoài cùng bên phải) - cùng các đồng nghiệp phỏng vấn Tổng Bí thư Đỗ Mười bên hành lang Quốc hội.

... Tôi còn lưu lại vài tấm hình thân gần, cởi mở thuở ấy. Cánh phóng viên quây quần (chứ chẳng phải quây, vây để thực hiện bằng được yêu cầu phỏng vấn) bên ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Trần Xuân Giá và những cốc bia hơi trong phiên giải lao của một kỳ họp. Các vị khách mời cao niên của Quốc hội như Tướng Giáp, nhà thơ Tố Hữu cũng khó mà lọt khỏi những vòng vây thân ái. Được nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi đó là phóng viên của một cơ quan Hội Nhà văn, hào phóng khởi sự. Thi sĩ lại là chỗ quen biết của nhà thơ Tố Hữu nên có đến ba thời điểm giải lao của ba phiên họp đã diễn ra các cuộc tụ thân ái và hết sức cởi mở của đám báo chí với nhà thơ.

Sự hiện diện của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với cái cười hiền hậu bên cạnh nhà thơ Tố Hữu cùng cái cười vỡ òa khi một cô nhà báo hướng cái cười về phía Đại tướng “Nghe câu thơ của nhà thơ - Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp thì Đại tướng có cảm giác gì ạ?”. Vô số những băn khoăn gần như cật vấn về nhân vật, chi tiết, hoàn cảnh ra đời của những bài thơ nổi tiếng, như Nhật ký đường về, Đời đời nhớ ông (Stalin)... Vậy mà thi sĩ, trong hoàn cảnh đó đã thoắt thành Anh Lành, vui vẻ chuyện trò, giải đáp tất tật. Thú vị khi nhà thơ ở tuổi bát tuần nhưng trí nhớ khá bền chỉ vào nhà báo Đặng Minh Phương (Báo Nhân Dân) nhắc lại câu chuyện chữa thơ. Chả là khi bài thơ mới in, trong đó có câu: “Nghé con mày đứng cho ngoan/Chớ ăn hàng chuối hàng xoan mới trồng”. Nhà báo Đặng Minh Phương một lần gặp tình cờ Phó Thủ tướng Tố Hữu đã không ngại mà bộc bạch: “Anh ơi, cái đọt xoan đắng lắm! Nghé nó không ăn được mô?”. Tố Hữu sau đó đã vui vẻ chữa lại là: “Chớ xô hàng chuối hàng xoan mới trồng”.

Cũng nói nhỏ chút, riêng tôi đã có tận... hai bài với cái tít “Uống bia với nhà thơ Tố Hữu” và “Lại uống bia với nhà thơ Tố Hữu” cùng những lan man chuyện đời, chuyện thơ của nhân vật nổi tiếng này! Cũng thú vị là sau sự ấy, được nhà thơ gọi lên nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng. Tôi được hầu chuyện với thời lượng mà ông già về hưu ấy ấn định trước: “Bữa ni chỉ ngồi được 15 phút thôi nhé”. Nhưng cả hai buổi, bữa mô cũng hơn tiếng đồng hồ.

Rồi cái kéo tay thân ái của ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã níu mấy anh em chúng tôi bên cái ghế đá Vườn hồng Ba Đình trong giờ giải lao một phiên họp cuối năm 1992. Lần đó tôi mới biết được nỗi đau mất mát khủng khiếp của ông Sáu có vợ con hy sinh trong cuộc chiến. Những ám ảnh ấy xui khiến tôi có loạt bài “Mậu Thân với Anh Sáu, Nhâm Thân với Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.

Nhà báo Xuân Ba với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.

Nhà báo Xuân Ba với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.

Không hiểu sao, nói tới ông Nguyễn Sinh Hùng tôi nhớ đến nhà thơ Hoàng Trần Cương cùng ngạch tài chính, vốn chơi thân với nhau. Nhớ lần lão than vãn về sự chậm lụt, tụt hậu của giống viết lách luôn lẽo đẽo, ngơ ngác và cũ mèm trước dòng chảy ào ạt tươi mới của cuộc sống. Mấy câu thơ lão dẫn ra là của Hữu Thỉnh: “Chưa viết giấy đã cũ/ Chưa viết sông đã đầy/ Chưa viết chợ đã đông/Chưa viết đồng đã bạc/ Câu thơ đứng giữa trời” sao cứ thấy na ná công việc của cái anh sản xuất luật của Quốc hội?

Các phóng viên trao đổi bên lề với ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Trần Xuân Giá trong phiên giải lao của một kỳ họp Quốc hội.

Các phóng viên trao đổi bên lề với ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Trần Xuân Giá trong phiên giải lao của một kỳ họp Quốc hội.

Thử nhẩm đếm, chỉ đến hết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật và dự kiến thông qua thêm 7 dự án luật trong kỳ họp này... Bảo là đã đầy đủ, rằng Quốc hội không nợ dân, nợ cuộc sống bộ luật nào thì chả phải. Nhưng ngần ấy khối lượng luật cùng bộ luật, mà cái nào ông Chủ tịch Quốc hội cũng phải giương kính lên mà coi mà xét (không chỉ một lần) với nguyên tắc không cái nào được dễ dãi cho qua, kiểu cho phải phép, thì quả là quá kinh khủng!

...Từ Bộ trưởng Tài chính đến Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng là một trong những người chịu khó nhất đứng và ngồi với cánh báo chí. Gặp trên Hội trường, trong giờ giải lao nhiều khi chỉ là cái cớ cho những cuộc ngồi lâu. Nhớ lần ông bộc bạch với vài nhà báo rằng, những ngày cuối, những giờ cuối trước khi Hiến pháp 2013 được thông qua, được công bố trước quốc dân đồng bào, từng có nhiều chuyện ấn tượng... Đó là những việc phát sinh bất ngờ, vô tiền khoáng hậu và là lao động cật lực theo nghĩa đen, từ ông Chủ tịch Quốc hội đến các tham mưu, chuyên viên.

Ông cũng thẳng thắn rằng, việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp 2013 là kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo cũng như nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông.

Cử tri, suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII từng chứng kiến rất nhiều thời điểm, nhất là tại các kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội những cái... lạ của vị Chủ tịch!

Thói thường, quan chức hình như chỉ mạnh chỉ bạo khi đã hưu đã nghỉ? Chả thế mà đột xuất cần tiếng nói chống tham nhũng quyết liệt một chút, để cho nhanh cho lành, cánh báo chí thời gian gần đây thường tìm đến các cụ hưu để phỏng vấn.

Còn tại vị? Nhỡn tiền cánh phóng viên, đôn đáo chầu chực đợi chờ chỗ sở làm và cả tư gia nữa. Lại đường đột gửi cả câu hỏi qua đường email nhưng cực hiếm hoi được hồi âm.

Nhưng với ông Hùng thì hơi khác. Mạnh và bạo đến mức gây xì xào.

Từng lắm người lo thay cho ông!

Nhà báo Xuân Ba và các đồng nghiệp trao đổi với nhạc sĩ, Bộ trưởng Trần Hoàn.

Nhà báo Xuân Ba và các đồng nghiệp trao đổi với nhạc sĩ, Bộ trưởng Trần Hoàn.

Nhà báo Xuân Ba và nhà thơ Tố Hữu.

Nhà báo Xuân Ba và nhà thơ Tố Hữu.

Nhà báo Xuân Ba.

Nhà báo Xuân Ba.

Nhà báo Xuân Ba trao đổi với đồng nghiệp Cuba trong một chuyến tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Cuba.

Nhà báo Xuân Ba trao đổi với đồng nghiệp Cuba trong một chuyến tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Cuba.

Cuốn sổ biên việc của tôi còn lưu những dòng này.

“23 tháng 2/2016, khi thảo luận về thủ tục hành chánh, vấn đề cấp giấy phép hành nghề vừa khó khăn vừa phức tạp, ông Nguyễn Sinh Hùng bật kêu, thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, quá nhiều thủ tục gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa!”.

Khi góp ý kiến trong phiên thảo luận về “Luật Phí và lệ phí”, ông Hùng bật kêu: “Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí. Trời đất ơi, như thế người dân sống sao được”. Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng, Chủ tịch Quốc hội thẳng đuột: “Bắt người dân chạy 15 - 20 cái giấy mới đủ. Những thủ tục hành chính trở thành nỗi khiếp sợ của nhân dân, mỗi cửa xin phép là mỗi cửa cơ hàn”.

Chưa hết.

Thảo luận về Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch (sửa đổi), ông rành rẽ: “Các đồng chí nói không rõ ràng, quy định không rành mạch thì sau này chỉ chết dân thôi. Cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những tiêu chí gì, trong luật phải ghi, không thể nói chung như thế được. Cơ sở dữ liệu hộ tịch có mấy tiêu chí phải ghi vào, không thể để xảy ra tình trạng sau này phường, xã lại quy định thêm vào được. Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được”.

“Các cụ nói là đa thư loạn mục, lắm thầy rầy ma”. Ông nói vậy khi cho ý kiến về kinh phí thực hiện đề án giáo dục mới: “Nếu làm dưới con số đề ra thì tốt, nhưng vượt quá thì sao? Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ, tôi nghe tôi cũng sợ quá”.

Hy vọng có ai sẽ làm cái việc thống kê bao nhiêu những phát biểu, góp ý kiểu “ngôn trung nghịch nhĩ” ấy của ông nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng?

Nhà văn, nhà báo Xuân Ba là cây bút phóng sự, ký sự của Báo Tiền phong. Ngay từ năm 1987, đầu thời kỳ đổi mới của đất nước, ông đã được toà soạn giao nhiệm vụ theo dõi, thông tin về các kỳ họp Quốc hội. Mảng đề tài này lúc ấy được đánh giá khô khan, khó hấp dẫn. Bằng cách tiếp cận gần gũi cuộc sống, nhà báo Xuân Ba đã đề lại dấu ấn trong lòng bạn đọc với nhiều ký sự, ghi chép bên lề nghị trường, nhận được sự tin tưởng, quý mến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Nhà báo Xuân Ba hiện đã nghỉ hưu nhưng luôn dành sự quan tâm và tâm huyết đối với hoạt động báo chí.

Nhà báo Xuân Ba hiện đã nghỉ hưu nhưng luôn dành sự quan tâm và tâm huyết đối với hoạt động báo chí.

Nhà báo Xuân Ba hiện đã nghỉ hưu nhưng luôn dành sự quan tâm và tâm huyết đối với hoạt động báo chí.

Nhà báo Xuân Ba hiện đã nghỉ hưu nhưng luôn dành sự quan tâm và tâm huyết đối với hoạt động báo chí.

Nội dung: Xuân Ba
Trình bày: Kiều Giang
Ảnh: NVCC