1 năm lan tỏa tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Sôi nổi hoạt động nghệ thuật

Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và sau đó triển khai các hoạt động hưởng ứng hội nghị trên cả nước, cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Qua một năm từ sau Hội nghị, đời sống văn hóa nói chung đã đón nhận rất nhiều chuyển động tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở “Bên dòng Long Khốt” của Nhà hát Cải lương Long An.
Cảnh trong vở “Bên dòng Long Khốt” của Nhà hát Cải lương Long An.

Nghệ thuật nở hoa

Có thể coi năm qua là thời gian bừng nở cho nhiều ngành nghệ thuật cả nước. Hàng chục liên hoan, hội diễn, cuộc thi đã diễn ra trên khắp mọi miền, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Quảng Nam, Đắk Lắk, Long An, TP Hồ Chí Minh... Ngày hội lớn nhất của các nghệ sĩ ca múa nhạc cả nước đã diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 tại Hải Phòng trong tháng 11/2021, quy tụ 19 đơn vị nghệ thuật với hơn 1.000 diễn viên tham gia.

Đợt 2 tại Đắk Lắk vào tháng 6/2022 cũng với hơn 1.000 diễn viên thuộc 22 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Các liên hoan chuyên sâu về một bộ môn nghệ thuật cũng được tổ chức liên tiếp như Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 tại Hà Nam vào tháng 10. Ngày hội lớn nhất của sân khấu chèo đã đón 27 vở diễn, hơn 1.200 nghệ sĩ, diễn viên thuộc 16 đơn vị chèo chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương. Tiếp đó là Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc từ ngày 5/11 vừa khép lại tại TP Tân An, tỉnh Long An, 22 đơn vị cải lương chuyên nghiệp đã tranh tài với 27 tác phẩm và đội ngũ gần 1.000 diễn viên, nghệ sĩ.

Trước đó tại Hà Nội, cuối tháng 9, đầu tháng 10, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V-2022 đã quy tụ 13 vở diễn như kịch nói, chèo, cải lương... của 13 đơn vị sân khấu. Đáng chú ý, Liên hoan không chỉ thu hút các đơn vị trung ương và Hà Nội mà còn mời gọi được các nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng 10, Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với điểm nổi bật là bên cạnh những gương mặt mới còn có sự góp mặt của những tên tuổi như các NSƯT Tâm Tâm, Lê Trung Thảo, Thu Vân, Hoàng Tùng; các “chuông vàng” Võ Minh Lâm, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên… Điều này đã mang đến một mùa giải hấp dẫn, một “cuộc đua” gay cấn.

Còn có hàng loạt liên hoan, cuộc thi trong các lĩnh vực múa, âm nhạc thể nghiệm, nghệ thuật truyền thống… Đáng nhắc đến là Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức từ 16 đến 18/9 với gần 200 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 18 câu lạc bộ thuộc tám tỉnh, thành phố. Rồi cuộc thi “Em yêu làn điệu dân ca” do Trung tâm Thanh, thiếu niên tỉnh Thái Bình tổ chức đã phát hiện nhiều tài năng trẻ của nghệ thuật chèo truyền thống. Cuộc thi “Ngôi sao dân ca” do Cung Thanh niên Hà Nội tổ chức cũng đã phát hiện nhiều gương mặt trẻ hát dân ca đồng bằng Bắc Bộ, quan họ, chèo, hát xoan...

Chuyển động thời cuộc

Không phải ngẫu nhiên nhiều hoạt động nghệ thuật lại được tổ chức liên tục trong thời gian vừa qua. Nhìn tổng thể các hoạt động này, có thể nhận thấy một số vấn đề nổi bật như sau:

Cần nhắc tới sự quan tâm trong chấn hưng phát triển văn hóa, dân tộc của Đảng và Nhà nước đã được nhìn nhận như một thành tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và bốn giải pháp thực hiện. Cụ thể, ở giải pháp thứ hai trong bốn nhiệm vụ, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung”.

Song song với đó là: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà”. Trong khi đó, ở giải pháp thứ 3, Tổng Bí thư cũng thêm một lần nữa khẳng định vị trí của giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, cụ thể là: “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Đây là những định hướng quan trọng cho việc triển khai chính sách về phát triển văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, tiếp thêm động lực, niềm tin và sự hứng khởi đối với đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật cả nước.

Một điểm nhấn khác, có thể dễ dàng nhận thấy nếu theo sát các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi trong năm qua, đó là sự thay đổi trong tư duy quản lý nghệ thuật cũng như nhận thức về vai trò của truyền thông trong giai đoạn hiện nay đối với nghệ thuật. Các liên hoan như ca múa nhạc, chèo, cải lương... đều được Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp VTVcab cùng các đài truyền hình địa phương nơi đăng cai liên hoan truyền trực tiếp và tường thuật lại toàn bộ liên hoan trên sóng. Đồng thời, giới thiệu trên nền tảng số, thông qua các mạng xã hội phổ biến hiện nay như: YouTube, Facebook.

Yếu tố khách quan không thể không nhắc tới là tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Sau hơn hai năm gần như mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 thì từ khoảng tháng 4/2022, mọi lĩnh vực đã dần trở lại trong điều kiện bình thường mới. Chính điều này đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật, góp phần “hâm nóng” tinh thần cho các văn nghệ sĩ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc thể hiện quan điểm, tầm nhìn sáng suốt của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển, phát huy sức mạnh văn hóa. Sau một năm, dù vẫn còn những khó khăn nhưng những thành quả ban đầu đang góp phần tích cực tạo đà cho sự phát triển tiếp theo của đời sống văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của công chúng, bắt nhịp xu hướng chuyển động của thời cuộc.