Số thu tháng Tám giảm

Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách tháng Tám do cơ quan Thuế quản lý chỉ đạt 68.852 tỷ đồng, bằng 6,2% dự toán, bằng 91,5% so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách lũy kế 8 tháng năm 2021 đạt 846.316 tỷ, bằng 75,8% dự toán, bằng 112,7% so với cùng kỳ năm 2020.

(Ảnh minh hoạ: VnEconomy.vn)
(Ảnh minh hoạ: VnEconomy.vn)

Tính tổng thể chung, tiến độ thu ngân sách 8 tháng so với dự toán vẫn đạt khá. Tuy nhiên, thực tế số thu tháng cũng đã cho thấy tác động nặng nề, toàn diện của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của nền kinh tế và số thu ngân sách.

Về cụ thể, Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu tháng Tám so với tháng 5 và tháng 6 (là các tháng có cùng điều kiện thu - không phải kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chỉ bằng 78,2% và 84%, tương ứng số thu thấp hơn khoảng 19.200 tỷ đồng và 13.100 tỷ đồng. Số thu giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế chính, nhiều sắc thuế như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp đạt mức thu thấp nhất trong 20 tháng kể từ tháng 1/2020.

Theo đó, thuế giá trị gia tăng chỉ đạt 11.200 tỷ đồng, bằng 57% số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng mức giảm khoảng 8.400 tỷ đồng (số thu thấp nhất liền kề là tháng 4 cũng đạt 13.300 tỷ đồng);

Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 4.960 tỷ đồng, bằng 20% số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng mức giảm khoảng 20.000 tỷ đồng (số thu thấp nhất liền kề là tháng 6 cũng đạt 6.600 tỷ đồng).

Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đạt 5.600 tỷ đồng, bằng 59,5% số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng mức giảm khoảng 3.800 tỷ đồng.

Thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 7.200 tỷ đồng, bằng 60% số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng mức giảm khoảng 4.700 tỷ đồng.

Thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 72% số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng mức giảm khoảng 1.400 tỷ đồng;

Đặc biệt số thu lệ phí trước bạ tháng Tám chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1, thấp hơn mức bình quân 7 tháng đầu năm đến trên 2.300 tỷ đồng.

Số thu theo khu vực kinh tế cũng bị tác động rõ rệt, số thu tháng Tám từ 3 khu vực kinh tế chỉ đạt 24.700 tỷ đồng, bằng 43% so với số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng giảm khoảng 32.000 tỷ đồng.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp FDI, công thương nghiệp và ngoài quốc doanh chỉ đạt lần lượt là 60%; 41%; 35,7%. Tỷ lệ này cũng cho thấy khu vực ngoài quốc doanh đang bị tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.

Nếu phân theo địa phương thì có thể thấy, số thu có xu hướng giảm ở hầu hết các địa phương. Tính đến hết tháng Tám, có sáu tỉnh, thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán giao là Bình Phước, Bình Thuận, Huế, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Trị; 18 tỉnh đạt trên 85% dự toán; sáu tỉnh đạt dưới 65% dự toán là Sơn La, Kiên Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tiền Giang, Hòa Bình.

Nhiều tỉnh đạt mức thu thấp nhất kể từ tháng 1 như: Hà Nội chỉ đạt 7.900 tỷ đồng, bằng 40,4% so với số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng giảm hơn 11.600 tỷ đồng; Đà Nẵng chỉ đạt 580 tỷ đồng, bằng 40% so với số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng giảm hơn 870 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 14.100 tỷ đồng, bằng 63,8% so với số thu bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng giảm hơn 8.000 tỷ đồng; Đồng Nai, Bình Dương cũng chỉ đạt số thu khoảng 28-31% so với bình quân 7 tháng đầu năm, tương ứng số thu giảm khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi tỉnh.

Về việc thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP, tính đến cuối tháng Tám đã có tổng số 139.032 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 72.744 tỷ đồng; Số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn đã nộp ngân sách là 26.439 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn còn phải nộp ngân sách là 46.334 tỷ đồng.

Đánh giá thu ngân sách năm 2021 và dự toán 2022, giai đoạn 2023-2024, Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, Tổng cục Thuế đã rất khẩn trương thực hiện thảo luận trực tuyến với 63 địa phương, chuẩn bị hồ sơ và đề xuất các phương án chi tiết phục vụ lãnh đạo Bộ làm việc với UBND các tỉnh, thành phố về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến thu 3 năm 2022-2024.

Đến hết 31/8/2021, đã hoàn thành, báo cáo Bộ phê duyệt kết quả thảo luận để tổng hợp xây dựng khung cân đối năm 2021, 2022. Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 hiện nay, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nắm sát tình hình, xây dựng các kịch bản thu phù hợp diễn biến dịch, kịp thời báo cáo Bộ phương án điều chỉnh phù hợp.

Triển khai công việc trọng tâm trong tháng 9/2021, Tổng cục Thuế cho biết, với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó đoán như hiện nay, thực tế số thu tháng Tám đã cho thấy mức độ ảnh hưởng và dự báo tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa đối với công tác thu ngân sách trong các tháng tiếp theo.

Đối với công tác trong tâm tháng 9, Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng yếu.

Theo đó, trên cơ sở kết quả thu ngân sách 8 tháng đầu năm, kết quả thảo luận dự toán vừa qua, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biễn dịch Covid-19 tại từng địa bàn và tiến độ thu ngân sách tương ứng.

Kịp thời đánh giá, phân tích cụ thể, đề xuất các giải pháp thu hiệu quả, phù hợp, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ thu phù hợp với thực tế tại địa phương.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế, đánh giá tác động thu ngân sách về gói giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để kịp thời giải trình.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các Vụ, đơn vị chủ động nghiên cứu tham mưu để trình Bộ/Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thực hiện; xây dựng các kịch bản để tuyên truyền ngay đến các đối tượng thụ hưởng, cơ quan thuế các cấp, nhanh chóng đưa các chính sách hỗ trợ vào thực hiện, trực tiếp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời, thiết thực.

Về công tác xây dựng pháp luật, trong tháng 9, Tổng cục Thuế sẽ tập trung hoàn thành để trình Bộ xem xét ký ban hành Thông tư hướng dẫn chung về Quản lý thuế; Thông tư hướng dẫn thu cổ tức, lợi nhuận còn lại; Thông tư hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ; Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng.

Đôn đốc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tham gia ý kiến về dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030. Tổng hợp ý kiến trình Bộ trong tháng 9/2021 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục tập trung thực hiện đề án về hóa đơn điện tử theo tiến độ và lộ trình như nội dung đã báo cáo nêu trên. Triển khai đôn đốc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo Kết luận kiểm toán tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá năm 2020; các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan. 

Tiếp tục triển khai các giải pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại qua các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Xây dựng kế hoạch triển khai kết nối cung cấp thông tin cá nhân qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Chỉ đạo, triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tập trung những lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao trong hoàn thuế.

Chính sách thuế