Gian nan chứng thực là tranh chép
Cuối năm 2015, bà L.S, Việt kiều Na Uy, có kể với tôi câu chuyện về việc muốn chứng thực cho phần lớn trong số 23 bản tranh “phục chép” mà bà mua từ BTMTVN năm 1989. Lý do là đến nay đã có tuổi, bà muốn để lại cho con cháu bộ tranh tuy là phiên bản song rất đẹp này với những giấy tờ xác nhận liên quan theo thông lệ quốc tế chung. “Chỉ có một vài trong số 23 bức phiên bản ấy là có dấu xác nhận của bảo tàng trên từng bức. Chính vì thế, tôi muốn có sự xác định giá trị từng phiên bản còn lại để những người kế tiếp tôi biết nguồn gốc rõ ràng vì toàn bộ tranh hiện nằm trong sưu tập của gia đình tôi” - bà nói. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khách quan như bà chia sẻ là gần đây khi về thăm quê hương, bà thấy các cửa hàng sao chép tranh chợ xuất hiện nhan nhản ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nên bà càng mong muốn có sự bảo đảm cho bộ tranh của mình. Trong bộ tranh này có 15 bức phiên bản tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, đều là những tranh nổi tiếng như Lên đồng, Tổ đan mây, Rạng sáng cho con bú, Sau giờ trực chiến,... và tám phiên bản tranh của các họa sĩ khác: Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Chung, Đặng Quý Khoa, Nguyễn Văn Chung,...
Bà cho tôi xem bản gốc bộ giấy tờ do giám đốc BTMTVN, khi đó là họa sĩ Nguyễn Văn Chung cấp, gồm Hóa đơn bán lẻ, một bản Danh mục tranh phiên bản (kiêm hóa đơn xuất hàng) do đại diện Xưởng phục chế của bảo tàng khi đó ký xác nhận, một bản Giấy phép xuất nhập hàng phi mậu dịch do Tổng cục Hải quan cấp. Bản Danh mục tranh phiên bản có ghi rõ tên tranh, kích thước, chất liệu (tranh lụa và khắc gỗ), tên tác giả theo nguyên bản, giá tiền.
Với suy nghĩ do mua tại BTMTVN và có giấy tờ xác nhận rõ ràng, tháng 9 - 2015, bà đã tìm gặp lãnh đạo bảo tàng, trình bày lại sự việc, mong có được sự xác nhận “là tranh chép” cho từng bức phiên bản của bà. Nhưng tiếc là trong buổi gặp đầu tiên, ông giám đốc nói là “không thể đáp ứng được yêu cầu” của bà. Theo ông giám đốc, hồi đó (năm 1989), bảo tàng không có chủ trương rõ ràng về việc sao chép tranh. Ông còn cho biết thêm thực tế là một số tranh do chính tác giả sao lại để bán, một số sao chép để dùng triển lãm trong và ngoài nước, một số bán đi để đem lại nguồn thu cho cơ quan. Về sau do nhiều họa sĩ phản đối việc sao chép tranh như vậy nên bảo tàng cũng đã dừng lại... Tuy không xác nhận giúp bà nhưng ông cũng “an ủi” rằng bộ tranh của bà có “giá trị kỹ thuật rất cao vì (khi đó) chúng phải đạt tiêu chuẩn tuyệt đối mới duyệt”...
Bà tiếp tục liên lạc lên một vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đến gặp. Vị Thứ trưởng này đi công tác đột xuất nhưng người tiếp đón bà cũng rất nhiệt tình gọi điện trực tiếp xuống cho lãnh đạo BTMTVN để tìm cách giải quyết. Trong cuộc gặp thứ hai với ông giám đốc BTMTVN, câu trả lời cho yêu cầu của bà vẫn là không. “Cuối cùng, đi đến kết luận duy nhất là tôi nên đến phòng công chứng, làm bản sao cho tất cả tài liệu, biên lai, danh sách tranh rồi kèm vào mỗi một bức tranh những tài liệu đó với tên của bức tranh”.
một số tranh do chính tác giả sao lại để bán, một số sao chép để dùng triển lãm trong và ngoài nước, một số bán đi để đem lại nguồn thu cho cơ quan. |
Không ai dám chịu trách nhiệm?
Có thể nói, việc kèm theo ít nhất là bốn tờ giấy công chứng cho từng bản tranh thật khôi hài và “cồng kềnh” - như ý kiến của bà L.S. Thực tế là bà cũng đã đi công chứng tại một văn phòng công chứng ở Hà Nội, đúng theo kết luận trong cuộc gặp thứ hai với vị giám đốc BTMTVN. Phải nói thêm là, những giấy tờ mua bán khi đó được sản xuất với chất lượng thấp, chữ đánh máy hoặc viết tay trên giấy mầu nâu, đã dần mờ, mất nét do phai mực theo thời gian. Việc công chứng những giấy tờ này chỉ có giá trị xác nhận “sao y bản chính” chứ không có ý nghĩa trong việc chứng minh bức tranh là phiên bản, nếu có một giao dịch liên quan nào diễn ra trong tương lai mà không phải ở Việt Nam. Các giao dịch nếu có không chỉ là chuyện mua bán mà có thể là cho tặng, chuyển nhượng, cho thuê mượn,... Điều đáng nói là trong số 23 bức này, có những bức được sao chép với kích thước không khác bản chính là bao. Đầu tháng 8-2016, người viết bài đã đến BTMTVN và thấy hiện có 10 nguyên bản của 23 phiên bản nói trên đang được trưng bày tại đây. Khi so sánh thấy 9 bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Đặng Quý Khoa, Nguyễn Văn Chung có kích thước gần như trùng khớp với phiên bản của bà L.S. Điều đáng nói là các con số kích thước hiện nay cũng có thay đổi so với 30 năm trước, chính xác hơn, do áp dụng kết quả của đề án đo lại kích thước toàn bộ tranh tượng trưng bày trong bảo tàng gần đây. Hãy đặt giả thiết: với thời gian sao chép cách đây đã gần 30 năm, cộng điều kiện chất lượng kỹ thuật “đạt tiêu chuẩn tuyệt đối” như nhận xét của ông giám đốc đương nhiệm BTMTVN, nếu bộ tranh được bán ra bên ngoài thị trường bởi một người bán không trung thực, điều gì sẽ xảy ra?
Trong câu chuyện về bộ tranh sao chép mua lại từ chính BTMTVN của bà L.S, có thể nói BTMTVN nên cảm ơn sự trung thực và thái độ trân quý với nghệ thuật đất nước của một người như bà. Việc những phiên bản bà mua khi đó không có bản xác nhận quy củ, theo thông lệ quốc tế chung của bảo tàng nên được nhìn nhận là vấn đề thuộc về lịch sử. Đương nhiên, chỉ có người hôm nay mới có khả năng giải quyết được những vấn đề thuộc về lịch sử ấy. Không có gì là không thể nếu những người có trọng trách của BTMTVN hôm nay nhìn nhận mong muốn được xác nhận phiên bản tranh của bà L.S là chính đáng, hơn thế nữa còn có đóng góp tích cực cho mỹ thuật Việt Nam. Mặt khác, việc xác nhận này còn thể hiện sự tôn trọng dành cho các nguyên bản tranh của các danh họa của đất nước, một sự tôn trọng tối cần thiết của một bảo tàng cấp quốc gia về mỹ thuật.
Bà L.S chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất mua phiên bản tranh từ cơ quan này. Vậy còn bao nhiêu phiên bản khác đang lưu lạc ở đâu? Liệu chúng có bị trà trộn, mạo nhận là các nguyên bản ở đâu đó trên thế giới rộng lớn này? Liệu có bao nhiêu chủ nhân muốn hoặc có điều kiện về nước bày tỏ mong muốn được minh bạch các phiên bản của mình? Và cuối cùng, lý do thật sự là gì mà mong muốn được minh bạch cho bộ tranh chép của bà L.S lại không/ chưa thể thực hiện được?