Thông tin kinh tế

Vĩnh Long ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch

Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cơ bản đã được khống chế. Trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác tuyên tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong hàng loạt các nền tảng như: cài đặt các ứng dụng khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng, sổ sức khoẻ điện tử…và nhất là các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở đạt hiệu quả cao.

Họp trực tuyến kết nối điểm cầu chính từ Tỉnh uỷ Vĩnh Long đến các xã trong tỉnh. (Ảnh: Bá Dũng).
Họp trực tuyến kết nối điểm cầu chính từ Tỉnh uỷ Vĩnh Long đến các xã trong tỉnh. (Ảnh: Bá Dũng).

Vĩnh Long có gần 90% người dân khai báo y tế trên hệ thống thông tin quản lý với hơn 300 ngàn lượt quét mã QR. Với việc chuẩn hóa các trang thông tin, cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng; hiện nay tỷ lệ cập nhật kết quả tiêm chủng tại Vĩnh Long đã đạt 100,67%, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, Vĩnh Long đã xây dựng bản đồ thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và tích hợp bản đồ vào ứng dụng“Smart Vĩnh Long”…

Ứng dụng tiện lợi:  

Trong công tác phòng, chống dịch ở Vĩnh Long thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, trong đó phải nói đến hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai báo y tế, quét mã QR và đăng ký tiêm chủng…

Chị N.T.H.N, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà nhiều cán bộ y tế đỡ phải vất vả. Khi trực bàn tiếp nhận tiêm chủng, trong lúc chờ khai báo y tế và rà soát danh sách thì rất mất thời gian. Khi có ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều người đã khai báo y tế trên hệ thống trước nên đến nơi chúng tôi chỉ cần vài thao tác là có thể nhận đầy đủ thông tin, nhận diện nhanh chóng các trường hợp, tránh gây tụ tập đông người ở những nơi này”.

Trong thời gian giản cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, việc đi lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long bị giới hạn, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cuộc họp trực tuyến mà điểm cầu chính từ Tỉnh uỷ có thể giao tiếp với tận các xã, phường và thị trấn trong tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trực tiếp hỏi thăm, nắm tình hình và để xuất những giải pháp phòng, chống dịch cụ thể đến tận các khóm, khu trong tỉnh…

Vĩnh Long hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch -0
 Vĩnh Long luôn nâng cao các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhân dân. (Ảnh: Bá Dũng). 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Long, từ nhiều tháng qua, Sở đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra bằng mã QR trong phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định.

Tổ chức hướng dẫn, cài đặt khai báo y tế điện tử các cơ quan, đơn vị. Chuẩn hóa các trang thông tin cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng. Tỷ lệ cập nhật kết quả tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng đạt 100,67% , đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài ra, Sở cũng đã nhanh chóng xây dựng bản đồ thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và tích hợp bản đồ vào ứng dụng “Smart Vĩnh Long”. Triển khai 100% xã, phường, thị trấn kết nối hội nghị trực tuyến cấp xã để phục vụ họp trực tuyến từ Chính phủ…

Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng Smart Vinh Long và cổng thông tin tiếp nhận, trả lời ý kiến của người dân.

Triển khai 164 camera tại các khu cách ly và chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh. Vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu 24/7, bảo đảm an toàn thông tin, xử lý sớm các cảnh báo tấn công mạng nhằm hạn chế, ngăn chặn các sự cố nghiêm trọng có thể xảy ra.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long Đoàn Hồng Hạnh cho biết: “Hiện nay ứng dụng này hoàn toàn có thể sử dụng được nếu người dân có điện thoại thông minh có kết nối Internet thì dễ dàng cài đặt các ứng dụng về thông tin trong công tác phòng, chống dịch."

Trao đổi về việc sử dụng ứng dụng Bluezone cũng như ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, bà Đoàn Hồng Hạnh cho biết, về bản chất, các ứng dụng này hiện nay cũng đã liên thông với nhau. Tuy nhiên Sổ sức khỏe điện tử có một chức năng quan trọng là người dân có thể tự đăng ký tiêm chủng thông qua ứng dụng này.

"Thông qua chức năng đã nêu, cơ quan chức năng sẽ sắp xếp theo đợt tiêm theo kế hoạch của tỉnh, quy định theo đối tượng. Chức năng này còn hỗ trợ khi có thông tin chính xác giúp cơ quan điều phối việc tiêm chủng có thể sắp xếp lịch tiêm chủng và gửi tin nhắn cho người đăng ký góp phần thực hiện giãn cách khi tiêm chủng" - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.

“Chúng tôi có hai kênh tiếp nhận là ứng dụng Smart Vĩnh Long hoặc trang thông tin điện tử congdan.vinhlong.gov.vn. Chúng tôi rất mong muốn được người dân quan tâm, cài và sử dụng ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử để làm sao tăng cường hơn nữa việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Đoàn Hồng Hạnh bày tỏ.

Vĩnh Long hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch -0
Hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch ở Vĩnh Long có phần đóng góp rất lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin. (Ảnh: Bá Dũng).  

Hiệu quả trong công tác tuyên truyền:

Thực hiện Kế hoạch số 48-KH/BTGTW ngày 21/7/2021 về “Công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay” và Công văn số 1131-CV/BTGTW ngày 6/8/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc “Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long đã chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh uỷ cụ thể hoá thành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, cổng/trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nội bộ và nhân dân về chủ trương cũng như các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước và của Vĩnh Long.

Trên cơ sở nội dung do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp và tình hình thực tế, hệ thống đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố và các trạm loa không dây ở các xã, ấp, khóm tiếp âm đầy đủ, kịp thời nội dung thông tin từ đài tỉnh, huyện; đồng thời tăng cường thời lượng tuyên truyền (3 buổi/ngày), thông báo các chủ trương chính sách mới cũng như khuyến cáo những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long Nguyễn Văn Săn, cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo cập nhật số liệu hàng ngày, vẽ bản đồ Covid của tỉnh, biên soạn hơn 100 nội dung Infographic tổng quan về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để chia sẻ trên các trang, nhóm Zalo, Facebook, cổng thông tin trên Internet phục vụ tuyên truyền rộng rãi ra các tầng lớp nhân dân."

"Đồng thời, các thông tin liên quan phù hợp diễn biến tình hình; tăng cường những thông tin tích cực, có phân tích, đánh giá, tạo sự yên tâm, tin tưởng trong nhân dân, như: các kết quả trong điều trị, cách ly, việc tiêm vaccine, thuốc trị bệnh; các mô hình, tấm gương tích cực; cách làm mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế địa phương..." - đồng chí Nguyễn Văn Săn chia sẻ.

Qua đó, "hạn chế tối đa các thông tin xấu, mảng tối, thiếu tính phản biện, thiếu tính xây dựng, có thể gây hoang mang, lo lắng, tạo tâm lý bất an trong dư luận xã hội." - đồng chí Nguyễn Văn Săn nói.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam